xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ở nơi không túi ni-lông

Bài và ảnh: KHÁNH LY

Có đến Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - du khách mới hiểu vì sao một nơi bốn bề nước bọc, cách đất liền hàng chục cây số lại được nhiều người thân thương gọi là “hòn ngọc xanh”

Đến Cù Lao Chàm, chúng tôi choáng ngợp trước màu xanh ngắt của nước biển, trước bãi cát trắng khoe mình tự tin. Rác thải, bọc ni-lông tuyệt nhiên không thấy đâu cả…
img
Một góc Cù Lao Chàm sạch đẹp, hiền hòa

“Cuộc chiến” dẹp rác thải

Nhìn khách nườm nượp kéo nhau từ tàu, ca-nô vào Cù Lao Chàm mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc để lặn biển, ăn uống… mà chúng tôi không khỏi lo âu. Đằng sau bước chân của du khách thường là sự “trỗi dậy” của rác. Liệu những lượt khách nội, ngoại kia có dần dần “ni-lông hóa” hòn đảo? Rồi cách ứng xử của người dân với biển, với môi trường ở vùng xa tầm quản lý của cơ quan chức năng sẽ thế nào?

Đó là nỗi lo của biết bao người lỡ “phải lòng” hòn ngọc xinh đẹp Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng nhận ra mình đã lo xa nỗi lo của quá khứ. Cù Lao Chàm bây giờ thật sự xanh và sạch!

Cù Lao Chàm có nhiều bãi nổi tiếng nhưng chỉ bãi Hương và bãi Làng có cư dân sinh sống. Dân bãi Làng sống nhờ du lịch vì quanh năm suốt tháng, khách cứ nườm nượp kéo tới. Bãi Hương thì vắng khách, người dân sống bằng nghề chài lưới nên giữ được sự hồn hậu mộc mạc đến đáng mến.

Ông Trương Văn Thời, 57 tuổi, sinh ra và lớn lên trên bãi Làng hơn 50 năm nay, gắn bó gần cả cuộc đời với bãi Hương với nghề đánh cá. Con cái lớn, lập gia đình rồi vào Hội An sinh sống đã nhiều lần nài nỉ ông vào đất liền để phụng dưỡng. Nhưng với một người gần 50 năm bám biển, sóng nước và cá tôm đã gắn bó cùng ông như hơi thở. “Vào bờ, ở nhà con cháu cứ đi ra đi vào, mình chẳng biết làm gì càng thấy nhớ biển” - ông giải thích.

Dường như với những người đàn ông từng gắn bó với sóng nước như ông Thời, họ chỉ tự tin nhất khi ở cùng biển. Biển là nơi họ đã vùng vẫy một đời, đã dung dưỡng và nuôi lớn họ. Biển mỗi lần nổi cơn thịnh nộ, sóng to gió lớn làm bao người khiếp hãi nhưng với những người con của biển, họ chấp nhận như một lẽ tự nhiên.

Trên chiếc tàu lắc lư ra Cù Lao Chàm, ông Thời vẫn ung dung, tươi tỉnh, kể thao thao bất tuyệt chuyện của đảo. Giọng ông đầy tự hào. Tôi nghĩ ai may mắn là người con của “hòn ngọc xanh” này cũng đều tự hào như ông.

Ông Thời cho biết trong quá khứ, Cù Lao Chàm từng là niềm ngạc nhiên đối với du khách. Thế rồi, lượng người đến du lịch cứ ùn ùn, rác thải cũng tràn ngập theo. Chuyện gì đến cũng phải đến. Rác, túi ni-lông nổi lềnh bềnh trên biển, ưu thế cạnh tranh là một hòn đảo sinh thái xanh, sạch biến mất, khách cũng ngại đến Cù Lao Chàm. “Tụi tui mắc cỡ với khách lắm, mỗi lần thấy họ chỉ vô mấy đống rác nổi lềnh bềnh như diễu hành dọc bờ biển là đắng lòng” - ông Thời phân trần.

“May mà anh Sự (ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An - PV) thức tỉnh tụi tui kịp thời. Anh ấy làm ráo riết lắm, cho tiểu thương ký cam kết không dùng túi ni-lông bán đồ, vận động bà con dùng giỏ xách đi chợ” - ông Nguyễn Văn Ân, một người dân ở bãi Làng đi cùng tàu, góp chuyện.

Ông Ân cho biết từ tháng 5-2009, cuộc vận động “Nói không với túi ni-lông” được thực hiện ráo riết trên đảo. Hàng quán bán đồ cho du khách đều dùng túi giấy dễ phân hủy, gói trái cây thì bằng túi tự làm bằng giấy báo... Chỉ tay ra mấy con thuyền neo dọc bến tàu, ông hào hứng: “Mấy chiếc thuyền gỗ trông đẹp đẹp vậy nhưng toàn là thuyền gom rác vào đất liền xử lý đó nghen. Kể từ khi có chúng, Tân Hiệp sạch hẳn, không khí trong lành ra”.

Hồn hậu, mến khách

Bãi Hương cũng có trường cho học sinh mẫu giáo và từ lớp 1 đến lớp 3. Tuy nhiên, ngôi trường nhỏ xinh xinh này chỉ có 3 cô giáo, trong đó lớp 1 vỏn vẹn… 2 học sinh. Lớp học trên đảo không thể sánh với đất liền, thư viện không, sách báo thì thuộc dạng xa xỉ. Trẻ nào học lên lớp 4 và 5 thì vào bãi Làng, nơi có trường cấp 1-2 duy nhất ở Cù Lao Chàm; học cao hơn thì vào đất liền.

Bù lại, học sinh ở đây có quá nhiều bài học thực tế sinh động. Những tiết ngoại khóa, các cô dẫn cả trường - không quá 20 em - đi quanh đảo giảng giải từng điều về biển cả. Có lúc, cô trò xúm vào một mẻ lưới mới kéo từ biển lên, sôi nổi bàn tán.

Tối đến, gió biển lồng lộng, thanh niên rủ nhau ra ngồi ở gốc đá dưới tán cây bàng trò chuyện. Xa xa, những dải đèn từ tàu thuyền đánh cá trên biển và từ phố Hội cứ nhấp nhô li ti như những chú đom đóm lập lờ giữa ngàn trùng biển khơi.

Cuộc sống của người dân đảo, nhất là trẻ con, hồn hậu như cây cỏ, như những chú còng gió mà tụi nhóc bãi Hương vẫn réo nhau đuổi bắt mỗi chiều tan học. Chuỗi cười trong veo của nhóm trẻ em dăm bảy tuổi rộn vang cả xóm chài nhỏ xíu xứ Cù Lao Chàm.

Internet chưa phổ biến đến đây nên trẻ em không hề biết game online là gì. Trò chơi “thường trực” của các em là trốn tìm, nu na nu nống, đá banh... Vậy mà tiếng cười, nét mặt cứ rộn rã tươi vui. Tôi chợt nghĩ trẻ con đôi khi cần phải sống trong môi trường “sạch” thế này.

Những em học cấp 3 phải rời đảo vào Hội An, màu da rám nắng của biển gửi lại qua những ngày đèn sách trên đất liền, vóc dáng cũng dần dà thư sinh. Thế nhưng, mỗi dịp nghỉ hè, lễ, Tết về đảo, các em lại hăm hở đi chèo thuyền quăng lưới, chất biển vẫn ngồn ngộn trong từng đường gân thớ thịt.

Người dân Cù Lao Chàm nổi tiếng mến khách. Lang thang đến bãi Hương, chúng tôi xin vào tá túc một nhà dân. Những vị khách không mời nhanh chóng nhận được sự săn sóc đặc biệt của cả nhà. Trẻ con thấy người lạ cứ tíu tít hỏi chuyện. Bữa tối, gia đình trải chiếu bày mâm giữa khoảng sân tỏa ánh trăng dịu mát. Cứ thế, chủ và khách vừa ăn vừa rôm rả trò chuyện đến giữa đêm.
img
Du khách tham quan “hòn đảo ngọc”

Sáng tinh mơ, bãi Hương thức dậy trước cả những chú gà trống trên đảo. Tàu thuyền lần lượt tỏa đi đánh bắt. Tiếng phát thanh viên Đài Truyền thanh Hội An trên loa phóng thanh trầm ấm vang lên khắp đảo. Biển khơi vẫn thế, vẫn những đợt sóng vỗ ì oạp vào vách đá. Những tia nắng của ngày mới hắt lên những tia sáng báo hiệu một ngày trời yên, thuyền sẽ dong về mang theo đầy cá tôm.

Chúng tôi ghé nhà ông Võ Sâm, 69 tuổi, một trong những ngư dân sống lâu đời nhất trên bãi Hương. Nghề đi biển bao năm ông đã truyền cho anh con trai út Võ Trung. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trung cứ trăn trở mãi về chuyện làm đá lạnh để cung cấp cho ngư dân chủ động ướp cá, nâng cao giá trị hải sản đánh bắt. “Cần khoảng 100 triệu đồng mới mở được xưởng đá. Đi biển nhiều năm, cứ gom góp hoài mà chưa đủ số tiền đó. Năm ni trời yên, trúng cá thì tui sẽ mở xưởng đá cho bà con” - anh ao ước…

Mưa lất phất trên biển lúc chúng tôi chia tay Cù Lao Chàm. Anh Trung mặc áo mưa chèo thuyền thúng ra vẫy tay chào tạm biệt. Nụ cười rắn rỏi của anh rạng rỡ cả một vùng biển mờ hơi sương, đẹp như ân tình của bà con xóm đảo.
“Hawaii của Việt Nam”
Ở Cù Lao Chàm, nước ngọt từ các khe suối chảy suốt ngày đêm. Vì thế, trên đảo trồng được lúa. Du khách rất thích thú điều này, cứ đòi xách giày xăm xăm lội ruộng. Đã là đảo thì diện tích đất sỏi đá chiếm phần nhiều. Thế nhưng, nỗ lực biến “sỏi đá thành cơm” của bà con Cù Lao Chàm đã có hiệu quả. Trên đảo cây trái, hoa lá sum suê. Đến Cù Lao Chàm, du khách không chỉ hăm hở lặn biển ngắm san hô mà lên đảo xem người dân địa phương làm ruộng cũng thú vị chẳng kém.
Dân Cù Lao Chàm chẳng bao giờ sợ thiếu đồ ăn. Cá tôm đầy biển, chỉ cần dong thuyền, chèo thúng ra một chốc là có ngay bữa cơm ngon lành.
Trọng tâm của cụm đảo Cù Lao Chàm là Hòn Lao với bãi Làng và bãi Hương có cư dân cùng các bãi chuyên dành cho khách tham quan, khám phá như bãi Chồng, bãi Xếp cát vàng. Biển xanh và những hàng dừa soi bóng thơ mộng ở đây đã khiến nhiều du khách không khỏi so sánh Cù Lao Chàm là “Hawaii của Việt Nam”.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
img
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo