Trong ký ức của tôi, sau mỗi vụ mía được mùa, giữa cái rét cắt mưa phùn, bố mẹ về từ đồi mía, lưng áo đẫm mồ hôi, ngồi đếm những đồng tiền mặn màu khói. Đó cũng là toàn bộ tiền sắm tết của chị em tôi. Chúng tôi có quần áo mới, có mứt dẻo thơm và chồng bát đĩa Bát Tràng mẹ mua chờ mâm cỗ tết.
Thuở ấy mới đổi mới chưa lâu, chỉ tết đôi tay bé nhỏ của tôi mới được nâng niu những chiếc bát xinh xinh ấy. Tôi thích ngắm cảm giác tết sang từ những cánh hoa in trên nền men trắng, men xanh của bát đĩa sứ.
Tôi nhớ bát đĩa ăn cơm mẹ mua in hình bông hoa thắm, bát đĩa cho mâm cỗ cúng có in hình hoa văn xanh gụ màu cổ.
Những chiếc bát Bát Tràng có nụ hoa mẹ mua chỉ giản dị là chồng bát cột chắc gọn gàng trong sợi dây chéo 4 góc bày bán trên nền đất phiên chợ quê được các bà hàng xén đem về bày bán tết. Nhưng những bông hoa trên Bát Tràng thuở ấy là dấu hiệu của tết đủ đầy, vui vầy sau những giọt mồ hôi của cha, của mẹ.
Những chồng bát Bát Tràng của mẹ cũng thành một góc kỷ niệm Hà Nội theo cùng tôi năm tháng. Sau này các sản phẩm về gốm sứ đa dạng hơn nhưng mỗi mùa tết sang, tôi lại nhớ chồng bát đĩa Bát Tràng mùa tết đủ đầy mẹ mua ở chợ quê, có cánh hoa trên nền men trắng, men xanh.
Gốm sứ Bát Tràng trong tôi vẫn có những nét rất đặc biệt, sắc men riêng dù hòa nhập trong bối cảnh thị trường.
Đó không chỉ là một sản phẩm mà đã trở thành một phần hơi thở, một nét trong tinh hoa văn hóa cùng chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.
Nghề gốm xuất hiện ở Bát Tràng từ thế kỷ thứ XV. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long năm 1010, hàng loạt các thương nhân, thợ thủ công cũng về Thăng Long lập nghiệp từ thời mở đất mở cõi.
Các làng ven đô Thăng Long trong đó có Bát Tràng cũng bắt đầu ghi dấu tên mình vào lịch sử Hà Nội với nét văn hóa riêng.
Kể từ khi các nghệ nhân lập thành làng gốm ở đây, Bát Tràng đã mang hơi thở vừa chung của Bắc bộ, vừa là thương hiệu rất riêng của Thăng Long- Hà Nội văn hiến ngàn năm.
Sản phẩm của người Bát Tràng là kết tinh của sức lao động cần cù, sáng tạo, sự khéo tay, đầu óc thẩm mỹ cùng những thăng trầm của Thăng Long- Hà Nội. Từ các loại men ngọc, men nâu, men rạn…đều mang hơi thở của đất, của người, khắc họa nét đẹp của vùng đất đã được lịch sử lựa chọn như chứng nhân của sự vững bền.
Người ta nói do trong gốm có hồn, có màu của đất, của sông, của hương lửa, tình người, gửi cả một nền văn hóa lâu đời vào gốm để trắng như ngọc, trong như ngà, hoài niệm cổ lam mà đẹp sang riêng biệt.
Những chiếc bát tráng men của Bát Tràng ấy là cả một tuổi thơ tôi êm đềm. Nơi ấy tôi thấy cả phiên chợ quê dáng mẹ thấp thoáng bên giỏ hàng, thấy cả đôi tay nhỏ rét đông được mẹ giao lau bát đĩa Bát Tràng: “Cẩn thận con nhé, tết rồi. Bát tết năm nay đẹp quá, mẹ mua thêm chục đĩa mấy đứa bày bánh tết cho vui”...
Phố thị hối hả, đêm tôi mơ rét ngọt quê mình, mơ bàn tay non lau cánh hoa bên chồng bát đĩa Bát Tràng của mẹ năm ấy. Những cánh hoa trên sứ đủ màu hồng, xanh, lam của Bát Tràng đã đi cùng những ấm êm, những mặn ngọt, những đậm chát mồ hôi và ngọt ngào của mía, đi cùng tình thân của gia đình tôi mỗi mùa xuân sang.
Bình luận (0)