"Đi mô rồi cũng nhớ về... kẹo lạc" - lần nào gặp lại mấy người bạn dân Hà Tĩnh là tôi lại bật ra câu hát trêu đùa ấy và lại nhận câu đáp mà như đính chính hộ "Kẹo cu đơ! không phải kẹo lạc mô".
Mỗi lần như vậy tôi lại nghĩ đến khác biệt giữa kẹo cu đơ với kẹo lạc thông thường, thứ mà hầu như quán nước nào ở Hà Nội cũng có. Chắc chắn khác biệt đến từ gừng rồi!
Cắn một miếng kẹo cu đơ to, nhai, rồi nuốt xuống bụng xong là y như rằng cơ thể như đang nóng bừng lên. Cảm giác đó thật khó tả và tôi tin chắc rằng trên đời ít có loại kẹo nào đem tới cho người ăn cái sự sung sướng đến vậy. Kể ra thì hơi xấu hổ nhưng tôi thừa nhận có thói quen đã cầm được miếng cu đơ là phải cắn thật to rồi ngấu nghiến nhai, thế mới thấm được đủ vị giòn tan của bánh đa, giòn rụm của lạc rang rồi cái giòn rôm rốp của mạch nha nữa chứ. Ôi! một thứ kẹo mà có đến 3 loại giòn thì quả là độc nhất vô nhị trong làng kẹo đất nước.
Hồi đến TP Hà Tĩnh, lang thang chục con phố cũng chỉ để tìm ra chỗ bán kẹo cu đơ. Thói quen đó lan sang mấy anh em hay đến Hà Tĩnh công tác. Gì chứ sơn hào hải vị xong thì vẫn cần cu đơ tráng miệng. Vừa ăn cu đơ mà vừa nghe mấy tay "thổ địa" kể về nguồn gốc tên gọi nữa thì hết ý.
Đến bây giờ, dù đã ra trường gần 20 năm, đi cũng nhiều tỉnh - thành và ngoài nước nhưng thứ tình cảm yêu mến và tinh thần chất trọng nghĩa của người Hà Tĩnh vẫn để lại trong tôi ấn tượng thật mạnh mẽ. Tôi liên tưởng phẩm chất ấy khi nhớ tới đặc sản kẹo cu đơ của địa phương này - nhìn bề ngoài thô ráp nhưng khi ăn vào vừa tròn vị lại thơm hương.
Cắn miếng cu đơ, nhấp ngụm chè xanh và trò chuyện tâm tình… khi ấy, bạn đang thưởng thức không chỉ vị ngọt, thơm, giòn nữa mà là bản sắc cả một vùng quê…
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)