Về phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) hỏi thăm vợ chồng ông Trương Văn Kiềm và bà Nguyễn Thị Ớ, hầu như ai cũng biết, thậm chí họ còn gọi ông Kiềm bằng biệt danh thân thương "Ông Tư lục tỉnh" chuyên đi xây tổ ấm cho người nghèo tại các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ.
Người thợ mộc bất đắc dĩ
Ông Tư Kiềm năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng trông ông vẫn rất khỏe khoắn, rắn rỏi. Có lẽ chính từ sự nặng nhọc của nghề dựng nhà đã giúp ông được tập luyện thể dục hằng ngày. Trước kia, hai ông bà vốn làm nông nghiệp như bao người dân ở cù lao Tân Lộc nhưng vì cái tình với những hộ gia đình khó khăn, ông Tư Kiềm đã trở thành người thợ mộc bất đắc dĩ.
Ông Tư Kiềm nhớ lại vào một buổi chiều năm 2003, ông đi lấy thuốc Nam về gặp cơn mưa tầm tã. Thấy một bà cụ đang đốn cây để dựng lại căn nhà mới bị sập, ông hỏi bà cụ, bà nói rằng, nhà sập rồi chú Tư ơi, phải đốn cây để cất lại. Thấy bà tuổi cao mà đi đốn cây, ông hỏi con bác đâu thì bà nói nó ngồi nhậu trong nhà, ông thấy buồn trong lòng.
Về nhà, mấy đêm trắng trăn trở, ông bèn bàn bạc với vợ về ý định dựng nhà cho bà. Hai vợ chồng đồng lòng dùng số tiền dưỡng già mà các con biếu để dựng nhà cho người nghèo. Ngay lúc ban đầu, ông Tư Kiềm cũng chỉ nghĩ cất được 1-2 ngôi nhà là cùng, chứ sức đâu, tiền của đâu mà cất được đến gần 600 căn như hiện nay. Vậy nhưng khi ngồi nhớ lại ông Tư Kiềm nói đúng là tình yêu thương con người cứ được nối dài sau từng ngôi nhà khiến ông không thể dừng lại.
Tính đến nay, Đội Xây nhà từ thiện của ông Tư Kiềm đã cất được 582 căn nhà cho người nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn, mỗi căn trị giá khoảng 30 triệu đồng. Đội vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Mỗi năm, các con gửi về hơn 100 triệu đồng để dưỡng già, ông bà dùng vào việc mua vật liệu, có thời điểm ông bà còn vay tiền ngân hàng để mua gỗ. Ông mua một chiếc ghe lớn gần 100 triệu đồng, chiếc ghe nhỏ 70 triệu đồng để chở gỗ đi khắp kênh rạch miền Tây. Ngoài ra, ông Tư Kiềm còn có tiền từ cho mướn 2 công đất (2.000 m2) sau nhà để dồn vào dựng nhà cho người nghèo, việc làm của ông được các con ủng hộ.
Để cất được một ngôi nhà bằng gỗ, vách tôn thời điểm bấy giờ hết khoảng 15 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ. Ông Tư Kiềm đã nhờ người bạn là ông Lê Văn Mười đứng ra dựng nhà và chỉ nghề giúp. Sau 3 năm "học nghề", ông Tư Kiềm đã trở thành thợ chính và tiết kiệm được chi phí dựng nhà.
Những tổ ấm nặng tình người
Ban đầu, ông Tư Kiềm âm thầm làm một mình nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nhiều người dân ở cù lao Tân Lộc biết đến việc làm thiện nguyện của ông đã chung tay góp sức và cùng nhau thành lập Đội Xây nhà từ thiện với gần 20 thành viên.
Ông Tư Kiềm cho biết lúc đầu cũng có người nói ông đi làm chuyện tào lao, bỏ công sức, tiền bạc ra mà không thu lợi được cái gì. Nhưng ông chỉ suy nghĩ rằng, mưa lạnh mình không có cái mền đắp còn rất khổ nói chi người ta không có mái nhà. Từ đó, bất kể khi nào nghe thấy có gia đình khó khăn, phải ở trong nhà tạm là ông Tư Kiềm lặn lội đến tìm hiểu, ngỏ lời giúp đỡ.
Sau đó, ông Tư Kiềm cùng anh em trong đội tổ chức quyên góp, lên kế hoạch dựng nhà. Phần khung nhà được đội làm sẵn và chỉ cần chở ghe đến lắp ráp trong một ngày là xong tùy thuộc vào quãng đường xa gần. Để có quà tân gia cho gia chủ, ông Tư Kiềm còn đóng thêm bàn ghế, chõng để tặng họ cho ngày nhận nhà thêm vui.
"Đầu tiên đội đi đốn cây, đi bào rồi đi xẻ gỗ, đục đẽo, dựng khung... Mỗi căn nhà chỉ cần tập trung làm trong một tuần là xong, mỗi hoàn cảnh đều là một kỷ niệm đáng nhớ. Đã có vài lần cưa cây, cất nhà tôi bị ngã gãy xương sườn, gãy tay chân nhưng nghỉ ngơi khỏe tôi lại tiếp tục" - ông Kiềm cho biết.
Anh Nguyễn Văn Bé Tư, thành viên của đội, nói: "Chú Tư không có trả lương mà đi làm việc này từ lương tâm của mình thôi. Tôi tình cờ đi đốn cây mướn thì gặp chú Tư. Tôi cũng có lòng từ thiện nên cùng làm với chú. Trong quá trình lợp nhà có nhiều khi xảy ra tai nạn, chẳng hạn như tôi đốn cây bị đứt 2 ngón tay nhưng dù khó khăn thế nào tôi cũng không bao giờ nản và từ bỏ công việc này. Làm được cho người ta cái nhà là tôi vui lắm".
Hiện nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ đều in dấu chân ông Tư Kiềm đi xây nhà. Từ Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang cho đến vùng đất mũi Cà Mau. Một lần, ông Tư Kiềm đến thăm nhà 2 vợ chồng ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau thấy 2 vợ chồng che miếng cao su ở tạm. Ruột gan ông nóng như lửa đốt nên vài ngày sau ông huy động anh em xuống cất nhà ngay cho 2 vợ chồng.
Chị Hồ Thị Lanh - quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - được nhận nhà, bày tỏ: "Tôi không có nhà và được Đội Xây nhà từ thiện chú Tư Kiềm cất cho. Tôi rất trân trọng và cảm ơn chú Tư Kiềm. Việc làm của chú thể hiện đạo lý lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi".
Liều thuốc quý nhất là làm việc thiện
Giờ tuổi đã cao, ông Tư Kiềm chủ yếu làm quản lý, một số công việc nhẹ đòi hỏi kỹ thuật cao và hướng dẫn, truyền lại kinh nghiệm cho các anh em trong đội. Ông nói dưới hầm nhà ông hiện có đủ số gỗ để dựng khoảng 300 căn nhà nữa, chắc phải xây trong khoảng chục năm. Ông hy vọng sẽ có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình xây nhà cho người nghèo và tin rằng tương lai, những anh em trong đội sẽ duy trì việc làm từ thiện này, kể cả khi ông sẽ rời xa cõi tạm.
Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ quận Thốt Nốt, kể: "Trước trời mưa thì nhà bị dột. Tôi có nghe nói ông Tư Kiềm chuyên đi cất nhà từ thiện nên tìm đến nhờ ông. Sau đó, tôi được đội của ông Tư dựng cho căn nhà này, tôi rất mang ơn ông Tư Kiềm".
Ngoài ra, thấy gia đình nào khó khăn quá ông Tư Kiềm lại đứng ra vận động bà con giúp đỡ họ như gia đình ở phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cả 2 vợ chồng bị tai biến, phải nằm một chỗ. Ông Tư Kiềm vận động được 50 kg gạo rồi chạy xe 30 km mang xuống cho họ. Mỗi khi đội thợ cất nhà, ông bà làm cơm đãi thợ ăn uống. Ông nói tuổi già đối với ông bà như vậy là hạnh phúc. Còn đối với gần 600 hộ gia đình nhận nhà, họ cảm nhận tình cảm của ông Tư Kiềm như những hạt phù sa bồi đắp tình người trên miền quê còn khó khăn.
"Tôi đã trải qua 2 lần phẫu thuật chữa bệnh nhưng liều thuốc quý nhất chính là làm việc thiện, đó là nguồn vui sống để duy trì sức khỏe của tôi suốt mấy chục năm qua" - ông Kiềm nói.
Những giọt nước mắt
Anh Huỳnh Văn Sơn, thành viên của đội, nói: "Tôi gắn bó với chú Tư từ năm 2003, thấy chú Tư cao tuổi mà làm việc nặng vất vả, tôi động lòng và cùng chú làm. Tôi còn khỏe nên phụ trách đốn cây và leo nóc nhà làm thợ lợp. Trong gia đình rất ủng hộ việc tôi đi làm từ thiện cùng chú Tư. Tôi nhớ lần đi xuống Hậu Giang thăm nhà, thấy hai vợ chồng khổ quá, đội tiến hành dựng nhà luôn. Khi dựng xong, họ cảm ơn và khóc khiến tất cả anh em ở đó cũng khóc theo. Tình người quả là thứ quý giá nhất trên cuộc đời này".
"Lúc đầu tôi nghĩ rằng cháu Sơn chỉ giúp được vài ngày công nhưng với lòng thành, Sơn đã cùng tôi làm từ năm 2003 đến nay, chưa bao giờ có ý định bỏ ngang" - ông Tư Kiềm cho biết.
Bình luận (0)