Thầy Võ Trưng dạy toán, một môn học mang đến phương pháp xác định độ chính xác tuyệt đối. Tính cách của thầy cũng đơn giản, giao tiếp ngắn gọn. Tôi may mắn được học lớp 7 do thầy làm chủ nhiệm tại Trường THCS Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc Bình Định). Những phẩm chất thầy đã truyền cho, trở thành cẩm nang sống tôi khi bước vào đời.
Thấm bài học đối nhân xử thế
Trong một buổi lớp tôi tham gia lao động, thực hiện phát quang bụi rậm mọc sau lưng trường, học sinh được phân công mỗi người mang một dụng cụ khác nhau. Lúc tôi vừa hoàn thành phần việc, tổ trưởng tổ 2 là bạn Trương Đình Khương đến mượn cây rựa của tôi. Nhân tiện đang cầm vật dụng này trên tay nên tôi đưa luôn phần lưỡi rựa cho Khương, còn mình vẫn nắm đằng cán. Chúng tôi đều cho là chuyện bình thường, vì từ trước đến nay luôn làm như vậy mỗi khi cần trao đổi đồ vật.
Không ngờ thầy Trưng đã nhìn thấy. Kết thúc buổi lao động, theo quy định của trường, cả lớp tập trung nghe lớp phó phụ trách lao động và giáo viên chủ nhiệm nhận xét. Thầy Trưng dành nhiều lời khen cho lớp tôi, do hoàn thành xuất sắc trước thời hạn phần việc được nhà trường giao khoán.
Phần góp ý thầy chỉ nói nhẹ nhàng, cũng không nêu cụ thể tên của "nhân vật". Thầy khuyên cả lớp mỗi lần ai đó mượn đồ vật có lưỡi hoặc mũi sắc nhọn, nhớ rằng luôn cẩn thận xoay phần lưỡi về mình, nhường cho người mượn được cầm đằng cán. Nếu người mượn là các anh chị lớp 8 trở lên, hãy nhớ đưa bằng hai tay. Thầy khéo léo an ủi chúng tôi: "Thầy biết lúc các em vừa hoạt động tay chân xong sẽ rất mệt, nên đã nhất thời quên động tác chuyển đổi cán rựa cho bạn. Chuyện hôm nay hoàn toàn do các em vô tình, thầy tin là sẽ không lặp lại".
Vài lời ngắn gọn, tế nhị mà luôn có thừa "độ thấm". Cả lớp tôi như bừng tỉnh, tự "rà soát" lại từng việc làm của bản thân với người khác để rút kinh nghiệm. Ngẫm thấy quả nhiên bạn nào cũng có ít nhất một lần, sơ ý trao phần dễ "đứt tay" cho người đối diện. Thầy không nêu đích danh nhưng tôi và Khương hiểu rõ nhất mình là "nhân vật chính". Tôi gặp riêng cảm ơn thầy đã giúp tôi có thêm bài học ứng xử sâu sắc. Không chỉ hai chúng tôi mà cả lớp đã mãi ghi nhớ lời dạy có một không hai ấy.
Không chỉ riêng chuyện giao - nhận công cụ, nhiều tình huống trong cuộc sống cần đến đối nhân xử thế phù hợp, đã được thầy phân tích, dặn dò cặn kẽ. Khăn lau bảng nên vò sạch và thấm nước trước mỗi tiết học. Ngày ấy phòng học trang bị bàn dài đủ 5 học sinh ngồi chung. Thầy hướng dẫn những bạn đến phiên trực nhật, chủ động xin đổi chỗ ngồi ra đầu bàn, để tiện lên xuống lau bảng trong giờ học. Chu đáo với học trò như con em mình là một trong những phẩm chất của thầy, khiến bao thế hệ học sinh trường tôi trong khoảng thời gian ấy không bao giờ quên.
Thập niên 1980, những thanh niên đã nghỉ học hay có "mốt" để tóc dài trùm tai. Một số bạn nam trong lớp tôi cũng làm theo như cách thể hiện bản thân. Thầy Trưng gặp riêng những học sinh này khuyên nhủ bằng dẫn chứng thực tế: nước ta khí hậu nóng bức, trong khi thể hình người Việt Nam rất khiêm tốn, nên không phù hợp với kiểu tóc dài. Thầy nhận thấy mỗi khi các em cắt tóc ngắn gọn, nhìn rất đẹp và đúng nội quy nhà trường. Nhiều bạn nữ trong lớp cũng muốn ngắm các em với mái tóc gọn gàng. Kể từ đó, hình ảnh tóc dài ở nam sinh lớp tôi không còn nữa.
Không để học sinh nghỉ học giữa chừng
Thời điểm ấy, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhiều gia đình lại đông con. Học sinh phải chia tay trường lớp để sớm lăn lộn vào đời mưu sinh là chuyện bình thường. Vậy mà những lớp do thầy Trưng chủ nhiệm hầu như không xảy ra chuyện này. Bác sĩ Nguyễn Thị Hà có đến 7 anh chị em ruột, rưng rưng kể lại: "Thầy đã kiên trì không dưới 3 lần đến nhà thuyết phục ba mẹ tôi, đưa ra những tư vấn và giải pháp để tôi vừa được tiếp tục đến trường vừa tranh thủ thời gian phụ giúp gia đình". Hoàn cảnh của từng học sinh, thầy nắm rõ như lòng bàn tay, nên những điều thầy gợi ý luôn mở được lối ra, tháo gỡ "chướng ngại vật" trên chặng đường tìm con chữ, để không có bạn nào phải nghẹn ngào nghỉ học giữa chừng.
Sau câu chuyện của Hà, thầy hội ý với ban cán bộ lớp, lập kế hoạch chủ động giúp đỡ những bạn đang có nguy cơ phải nghỉ học. Cũng từ đây, lớp tôi hình thành nhiều nhóm "Bạn giúp bạn", thay phiên nhau đảm đương "tiếp sức" các bạn kém may mắn hơn mình. Người thì giúp ôn lại bài cũ, những người khác đến nhà vào chủ nhật chung tay với bạn chăm con heo, đàn gà, trồng rau để cha mẹ yên tâm ra đồng. Tấm lòng bác ái của thầy và cả lớp đã khiến nhiều phụ huynh cảm động, biết ơn và tin tưởng. Nỗi lo con cái phải gián đoạn học hành đã không tồn tại.
Ở quê tôi, người dân có phong tục tảo mộ (hay gọi là dẫy mả) vào tháng chạp âm lịch hằng năm. Thầy Trưng rất hay được gia đình học sinh mời dự. Nếu rơi vào ngày chủ nhật, thầy luôn đến thật sớm cùng cả nhà đi lên núi sửa sang lại mộ phần ông bà. Nhờ đức tính hòa đồng, gần gũi nên dù sinh ra và lớn lên ở TP Quy Nhơn, thầy vẫn am hiểu cuộc sống của địa phương nơi đang giảng dạy và hòa nhập rất nhanh. Thầy đã chọn quê tôi làm quê hương thứ hai.
Biết ơn và khắc ghi lời dạy của thầy qua nhiều câu chuyện ứng xử trong cuộc sống, tôi cùng những bạn học luôn thực hành trong suốt cuộc đời mình: Tình nguyện nhận phần không thuận lợi về bản thân, để tạo điều kiện tốt hơn cho người khác...
Nối tiếp thầy truyền cảm hứng
Cuộc đời và sự nghiệp của thầy tính đến lúc này khá viên mãn, với niềm hạnh phúc bên người bạn đời là đồng nghiệp ngày xưa. Một trong 2 người con của thầy cũng đứng trên bục giảng. Thầy nghỉ hưu nhiều năm nay với cương vị nguyên trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Ân. Còn lớp học trò chúng tôi thì rất nhiều người theo nghề dạy học của thầy. Một số bạn may mắn được trở lại ngôi trường năm xưa dạy học, cùng thầy truyền cảm hứng cho đàn em thân yêu...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)