xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "TẾT THỜI SỐ": Nhớ mùi hương xưa

HẠNH THUẦN

(NLĐO) - Nhớ lại lời mẹ dạy ngày trước, "Chim có tổ, người có tông", làm chi thì làm cũng phải chăm sóc bàn thờ ông bà cha mẹ cho tươm tất.

Đã bước qua tháng Chạp âm lịch, một mùa xuân mới sắp về…

Chị em tôi bắt đầu xăn tay áo, sắp xếp thời gian chuẩn bị những công việc cần thiết để chào đón cái Tết con Rắn. Đã ở vào cái tuổi cao, sức khỏe có hạn, chị em tôi nhắc nhau thực hiện dần dần những việc theo truyền thống của gia đình những ngày đầu năm mới.

Nhớ lại lời mẹ dạy ngày trước, quan trọng nhất là chưng, bày bàn thờ gia tiên. "Chim có tổ, người có tông", làm chi thì làm cũng phải chăm sóc bàn thờ ông bà cha mẹ cho tươm tất, để người ngoài còn nhìn vào. 

Như thường lệ, chúng tôi kêu người thợ quen đến nhận những món đồ đồng (bộ lư hương, cặp chân đèn) về đánh bóng, sau một năm chúng nằm uy nghi trên trang thờ. Những bình hoa thường được chưng trong những dịp giỗ kỵ, ngày rằm và mùng một… sẽ được chị em tôi trang trí bằng những loại hoa mùa Tết, bây giờ phổ biến nhất là hoa cúc, hoa lay-ơn.

Cuộc thi viết "TẾT THỜI SỐ": Nhớ mùi hương xưa- Ảnh 1.

Gia đình đón Tết ngày xưa

Phẩm vật dâng cúng tổ tiên những ngày đầu năm không thể thiếu cặp bánh chưng, bánh tét. Chị em tôi còn chen chân vào chợ tết đông người, tìm mua cho được quả dưa hấu An Tiêm (Gò Công). Về nhà, em tôi còn dán lên quả dưa hấu tròn trĩnh tấm giấy đỏ đề chữ Phước. Ngoài ra, em tôi còn chưng thêm lọ mứt đựng trong lọ thủy tinh đẹp mắt. 

Để thay cho cây mai trước ngõ già cỗi đã chết, chị em tôi mua những dây trang trí màu đỏ có ghi những câu chúc mừng năm mới. Các cháu nội ngoại của ba mẹ tôi thì có thể góp thêm bánh trái, thể hiện tấm lòng thơm thảo, hiếu kính đối với ông bà… 

Hình như mấy năm nay người ta không mặn mà với các loại mứt nữa - ngoài mứt gừng, mứt hạt sen quen thuộc. Thay vào đó, trên thị trường đầy ắp các loại bánh, nước yến sản xuất trong nước lẫn ngoại nhập, được người ta mua về sắp xếp trên bàn thờ với thật nhiều kiểu dáng và sắc màu.

Cuộc thi viết "TẾT THỜI SỐ": Nhớ mùi hương xưa- Ảnh 2.

Chị em đón Tết dưới chân núi Chúa

Ba mẹ chúng tôi đã lần lượt qua đời. Mấy anh chị em khác của chúng tôi lập gia đình nên đã ra riêng, mỗi người đi mỗi ngã. Dù ở chân trời góc biển nào, tùy vào điều kiện hoàn cảnh sống, các con của ba mẹ đều thiết lập một bàn thờ tại nhà riêng của mỗi người, để tưởng nhớ song thân thương kính. 

Có khi chỉ là một trang thờ đơn giản với một lọ hoa tươi bên cạnh hai di ảnh. Vào những ngày giỗ của ba mẹ, nhất là dịp đón một mùa xuân mới: Chúng tôi cùng hướng tâm trí về một nơi xa lắm - nơi ba mẹ đang nhìn xuống mỗi đứa con. Cầu mong ba mẹ luôn thương yêu, che chở cho các con, các cháu được mọi sự bình an, gia đình hạnh phúc.

Nhìn hôm nay mà nhớ lại những ngày xưa yêu dấu

Ngày xưa, nghĩa là đã trên 50 năm, xuân về, Tết đến là một sự kiện vô cùng thiêng liêng đối với lũ trẻ con. Tâm trí chúng tôi tưởng tượng rằng, hình như những ngày đầu xuân sẽ xảy ra những điều lạ thường, thú vị. 

Trong lúc người lớn - là bà, mẹ và các anh chị - tất bật chuẩn bị mọi thứ cho năm mới, lũ trẻ con được đẩy ra ngoài sân chơi để không làm quẩn chân họ. Ba chúng tôi đi làm về, thỉnh thoảng cầm trên tay những tấm thiệp chúc mừng năm mới, "cung chúc tân xuân" để treo lên chậu kiểng cây mai cùng với những phong bì lì xì màu đỏ cho tươi thắm những ngày đầu năm…

Cuộc thi viết "TẾT THỜI SỐ": Nhớ mùi hương xưa- Ảnh 3.

Tác giả đón Tết ngày nay

Đến giao thừa, mùi trầm hương lan tỏa khắp không gian ngôi nhà từ đường. Sau bà là đến ba mẹ, nghiêm trang thắp nhang, lâm râm lễ bái tổ tiên, cầu nguyện cho gia đình được "vạn sự như ý, bình an". 

Chúng tôi bị lùa đi ngủ từ trước đó, để sáng mùng một xúng xính trong áo quần, giày dép mới. Rồi đến lúc chị em chúng tôi, theo thứ tự lớn nhỏ, vòng tay chúc Tết người lớn, được nhận những phong bì lì xì có giá trị thật lớn đối với đầu óc còn thơ ngây trong trắng.

"Ê, bà lì xì bao nhiêu? Ba mẹ lì xì bao nhiêu?", "Ui chao, nhiều lắm nè, sướng quá!" Những nụ cười hả hê, sung sướng vì nghĩ đến những món hàng sẽ mua sau tết đi học lại, với những tờ bạc còn thơm phưng phức này. Tôi nhớ mãi nét cười rạng rỡ của đứa em trai út, hồn nhiên khoe hai cái răng cửa bị sún. Phần tôi, hồi đó chưa có điều kiện như bây giờ, tôi đã nhét những bao lì xì vào hai chiếc vớ dài, mang giày tung tăng đi khắp phố phường!

Chưa hết, có một năm khi gia đình đã cúng giao thừa xong, ngoài đường bắt đầu yên ắng chờ qua sáng mùng một Tết, tôi đã lén người lớn để chạy theo hai anh trai ra đường lượm pháo. Không sao quên được tâm trạng thú vị khi đi giữa không gian tràn đầy mùi pháo, nhìn xác pháo tả tơi trên vệ đường, trước những căn nhà đã đóng kín cửa…

"Ôn cố tri tân", nhắc chuyện cũ để biết chuyện mới, rồi nhìn những chuyện đang xảy ra trong hiện tại để thấy những thay đổi ra sao so với ngày xưa. Ngày Tết dân tộc đang đến rất gần với mọi gia đình. Chắc hẳn trong tâm trí của mỗi người đều ước mong "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua", để cuộc sống vật chất lẫn tinh thần luôn trở nên tốt đẹp hơn, sung túc hơn, văn minh hiện đại hơn.

Cuộc thi viết "TẾT THỜI SỐ": Nhớ mùi hương xưa- Ảnh 4.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo