Trong văn bản gửi UBND TP HCM mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) báo cáo số vốn bồi thường được giao trong năm 2023 là hơn 20.789 tỉ đồng, số vốn của kế hoạch năm 2022 thực hiện tiếp tục trong năm 2023 là 5.668 tỉ đồng.
Chỉ còn vài ngày
Trong hơn 26.457 tỉ đồng nêu trên, đến hết tháng 11-2023, các địa phương đã giải ngân hơn 15.647 tỉ đồng, đạt 59,14%. Số tiền cần tiếp tục thực hiện là hơn 10.810 tỉ đồng.
Có 5 địa phương giải ngân phần vốn bồi thường đạt trên 90% là các quận 8, 10, 12, Tân Bình và Phú Nhuận. Đáng chú ý, 2 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30% là quận 6 và quận Tân Phú; 2 địa phương 0% là quận 3 và quận 5.
Sở TN-MT cho biết để đạt được tỉ lệ giải ngân theo mục tiêu của UBND TP HCM đề ra trong năm 2023 là 95%, trong tháng 12 này, thành phố cần tăng cường nhiều giải pháp. Trong đó, cần sự nỗ lực của các sở - ngành, UBND các địa phương cũng những đơn vị liên quan.
Sở TN-MT sẽ đôn đốc UBND các địa phương, chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tăng cường giải ngân vốn bồi thường từ kho bạc chuyển về.
Hàng loạt giải pháp
Với UBND TP Thủ Đức, trong văn bản gửi UBND TP HCM, Sở TN-MT kiến nghị tiếp tục phê duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có khả năng giải ngân số tiền tạm ứng.
Cụ thể, đó là dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai đoạn ngã ba đường Lò Lu - Nguyễn Duy Trinh với 190 tỉ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai đoạn ngã ba đường Lã Xuân Oai - đường D2 Khu Công nghệ cao với 281 tỉ đồng; dự án đường kết nối từ đường Long Phước vào Trường ĐH Luật TP HCM với 42 tỉ đồng…
Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương giao UBND địa phương - đặc biệt là các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi - rà soát quỹ đất để đề xuất dự án xây dựng khu tái định cư. Trong đó, việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp áp dụng theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, tính đến ngày 15-12, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn khoảng 2.140 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 83%. Đến ngày 25-12, Thủ Đức dự kiến giải ngân trên 95% chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh hàng loạt động thái trên, Sở TN-MT cũng đang cùng UBND các địa phương triển khai giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm cải thiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trên địa bàn quận 3, sở kiến nghị UBND TP HCM sớm có kết luận về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, làm cơ sở cho UBND quận thực hiện các bước tiếp theo, giải ngân vốn được giao.
Địa phương đang phấn đấu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho hay Kho bạc Nhà nước TP HCM đã chuyển 423 tỉ đồng về Kho bạc quận. Việc này xem như thành phố đã giải ngân.
"Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận đang làm hồ sơ giải ngân đến hết ngày 31-1-2024. Khi thành phố có chủ trương thực hiện lại công tác bồi thường trên địa bàn quận thì sẽ giải ngân được 419/423 tỉ đồng, trên 95%" - ông Bình thông tin.
Trong khi đó, ông Bùi Trọng Suốt, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6, cho hay quận có 2 dự án giải ngân vốn bồi thường với số tiền gần 22 tỉ đồng. Trong đó, dự án xây dựng trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự phường 7 đã chi tiền cho người dân. Dự án mở rộng đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Văn Thân (phường 8) là hơn 19 tỉ đồng, hiện 1 hộ bị ảnh hưởng một phần đã nhận tiền bồi thường, 3 hộ bị giải tỏa trọn căn chưa đồng ý.
Về thủ tục, 2 dự án này xem như giải ngân xong. Người dân không chịu nhận tiền thì gửi vào tài khoản tạm giữ của kho bạc theo quy định.
Tại quận 5, ông Ngô Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay có 2 dự án giải ngân vốn bồi thường là Trung tâm Y tế quận (36,7 tỉ đồng) và xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (550 tỉ đồng). Quận đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đủ điều kiện chi tiền bồi thường cho người dân và xem như đã giải ngân 100%.
Cụ thể, dự án Trung tâm Y tế quận 5 có 4 hộ bị ảnh hưởng thì 2 hộ ký biên bản đồng ý nhận tiền, chỉ còn làm thủ tục khai nhận thừa kế và xác định người đại diện nhận; 2 hộ còn lại chưa có ý kiến. Dự án bên kênh Hàng Bàng cũng vậy, quận đã làm đủ thủ tục đủ điều kiện chi trả cho người dân.
"Tất cả tiền đã gửi kho bạc. Quận chờ người dân làm thủ tục liên quan, khi làm thủ tục đủ thì nhận tiền" - Phó Chủ tịch UBND quận 5 cho biết. Theo ông, mọi thông tin đã được niêm yết công khai, dự kiến trong quý I/2024, người dân sẽ làm xong thủ tục nhận tiền.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 mà thành phố được giao là hơn 68.600 tỉ đồng. Đến ngày 15-12, thành phố đã giải ngân 36.465 tỉ đồng.
Qua rà soát, làm việc cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến kết quả giải ngân cuối năm của TP HCM có thể đạt hơn 48.500 tỉ đồng (hơn 70%). So với giải ngân năm 2022, kết quả năm 2023 dự kiến cao hơn 22.300 tỉ đồng (gấp 1,8 lần). Số liệu này có thể nói là tương đối tích cực so với năm 2022, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công của các cấp chính quyền TP HCM.
Đánh giá thi đua từ đầu tư công
UBND TP HCM vừa ban hành văn bản về đánh giá xếp hạng tập thể lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện đầu tư công năm 2023.
Theo đó, nếu tỉ lệ giải ngân dưới 50% thì tập thể lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị chỉ được đánh giá xếp loại cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ. Tập thể lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị không được xét tặng bằng khen của UBND TP HCM và bộ - ngành trung ương; thủ trưởng đơn vị không được hưởng thu nhập tăng thêm quý IV/2023. Tỉ lệ giải ngân từ 50% đến 80%, trên 80% tương ứng các quy định khác nhau.
Chủ tịch UBND TP HCM giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương, Kho bạc Nhà nước thành phố, chủ đầu tư dự án và các cơ quan nghiêm túc thực hiện chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; khẩn trương phối hợp giải quyết các tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Bình luận (0)