Cuối ngày 30-5, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 86,3 triệu đồng/lượng, bán ra 88,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng so với buổi sáng. Dù vậy, nếu so với hôm qua, giá vàng đã giảm khoảng 2,1 triệu đồng/lượng.
Một số công ty khác như PNJ, DOJI hay Eximbank bán ra ở mức thấp hơn, khoảng 88,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC lao dốc trong ngày hôm nay sau thông tin các ngân hàng thương mại quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV sẽ bán vàng cho người dân. Theo đó, từ 3-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Chiều 30-5, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại này đang khẩn trương hoàn thiện giấy phép, chuẩn bị địa điểm bán vàng để chính thức bán vàng cho người dân từ đầu tuần tới. Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thực hiện tốt định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp (do không bị găm giữ hay đầu cơ), đến thẳng tay người tiêu dùng. Bảo đảm giá hợp lý hơn trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào giá vàng thế giới cộng thêm các khoản chi phí cần thiết, qua đó góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
"Bảo đảm tính công khai minh bạch hơn khi các thông tin mua - bán vàng được công khai, giao dịch mua bán vàng có hóa đơn điện tử... Cách làm này cũng không vướng mắc gì nhiều do có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn này. Việc này cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách", TS Cấn Văn Lực nói.
Bình luận (0)