Sáng 7-3, BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho bé gái L.T.T (23 tháng tuổi) bị bỏng vì bếp gas mini phát nổ.
Theo đó, bé được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng bỏng mặt, ngực, bụng, tay, chân, mạch nhẹ, chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 44%. Bé được các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương bỏng. Sau đó, chuyển đến khoa hồi sức ngoại điều trị tiếp.
"Bệnh nhi được chăm sóc vết thương bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý" - bác sĩ Tiến chia sẻ.
Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị tình trạng vết thương bỏng cải thiện lành dần.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến nhấn mạnh phụ huynh cẩn thận trong công việc sinh hoạt hàng ngày ở nhà, mọi hành vi, động tác, hành động của người lớn có thể gây nguy cơ tổn thương đối với trẻ nhỏ.
Để ngôi nhà an toàn cho trẻ không để các đồ dùng nóng, sôi như bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về; chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị, ổ điện,… ở ngang tầm với trẻ. Bên cạnh đó, nhà tắm không để xô có nước vì trẻ có thể té vào, hạn chế tủ bàn ghế,… có thể ngã đè trẻ,… tránh cho trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ.
Ngoài ra, phụ huynh lưu ý khi trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước lên chỗ vết thương cho trẻ bớt bỏng thêm, bớt đau, rồi nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được cấp cứu tiếp.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết thêm tại bệnh viện cũng vừa tiếp nhận, điều trị thành công cứu bé trai T.L.G.B (9 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị sốc sốt xuất huyết gây tổn thương gan, suy hô hấp nặng.
Bệnh sử, bé sốt cao liên tục 4 ngày đến ngày thứ 5 em đau bụng, ói, tay chân lạnh nên người nhà đưa bé nhập bệnh viện địa phương, trong tình trạng sốc sâu, huyết áp không đo được, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5. Tại đây, bé được truyền dịch chống sốc theo phác đồ nhưng tình trạng diễn tiến nặng, suy hô hấp, tổn thương gan nặng (men gan trên 1200 đv/ml) nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Đồng thời, bé được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả qua gần 2 tuần điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.
Các bác sĩ nhấn mạnh bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, vẫn đang "rình rập" trẻ em, kể cả người lớn. Vì vậy, phụ huynh nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng. Đồng thời, cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời khi trẻ bị sốt.
Nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay:
Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì.
Đau bụng.
Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen.
Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Bình luận (0)