Ngày 4-7, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng có ý kiến chỉ đạo UBND TP Đà Lạt nghiên cứu kiến nghị của Công ty cổ phần xây dựng - du lịch Nam Hồ (Công ty CPXDDL Nam Hồ) để xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại dự án khu du lịch Nam Hồ (KDL Nam Hồ) theo đúng theo quy định của pháp luật và chỉ đạo trước đây của UBND tỉnh.
Theo thông tin của phóng viên, trong văn bản gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo doanh nghiệp này xin hoàn toàn nhận khuyết điểm trong quá trình thực hiện dự án KDL Nam Hồ.
Công ty lý giải rằng những vi phạm, thiếu sót xảy ra tại dự án là do năng lực còn hạn chế, hiểu biết về các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng không đầy đủ. Đồng thời, do có tư tưởng nể nang đối với các thành viên góp vốn trong giai đoạn kêu gọi đầu tư còn khó khăn nên phát sinh nhiều vi phạm về sử dụng đất, xây dựng, công năng sử dụng công trình của dự án.
Công ty CPXDDL Nam Hồ cam kết chấp hành các chỉ đạo của cơ quan chức năng, cụ thể đã tháo dỡ toàn bộ 48 công trình phụ; đóng tiền phạt vi phạm hành chính và thực hiện đúng công năng tại khu thương mại - dịch vụ, khu trà hoa viên.
Đối với 47 công trình vi phạm xây dựng tầng bán hầm, doanh nghiệp lý giải nguyên nhân do khu vực nằm trên địa hình đồi dốc nên hầu hết đều phát sinh tầng bán hầm. Tuy nhiên các công trình chỉ được cấp phép xây dựng một phần tầng bán hầm ở phía đất thấp, diện tích chỉ bằng 40-60% so với tầng trệt trong khi yêu cầu kĩ thuật thi công thì phải đào hết đất trên toàn bộ mặt bằng để xây dựng nền móng - đá kiềng công trình.
Do đó, sau khi xây dựng xong thì thay vì phải bít tầng lại phần bán hầm lớn hơn giấy phép thì hầu hết 47 công trình này không bít lại mà tận dụng luôn diện tích xây sai phép.
Đại diện công ty nhận cho rằng việc này là vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc cảnh quan dự án nên xin nộp số lợi bất hợp pháp từ phần diện tích vi phạm và đề nghị được tiếp tục sử dụng cũng như điều chỉnh các thủ tục liên quan.
Đối với 16 công trình xây dựng sai vị trí quy hoạch buộc phải tháo dỡ, chủ đầu tư dự án cho rằng chủ yếu do địa hình đồi dốc, vị trí xây dựng (sai vị trí - PV) các công trình đều nằm gần hoặc tiếp cận vị trí quy hoạch và đều ở trong cùng một khu vực theo quy hoạch chung với chức năng là đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.
Vì vậy Công ty CPXDDL Nam Hồ xin được nộp phạt hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, tháo dỡ phần diện tích vi phạm vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch về diện tích và tầng cao của dự án cũng như được tiếp tục sử dụng và điều chỉnh các thủ thục liên quan.
Đối với 15 công trình sai tầng mái so với giấy phép xây dựng, đúng và tịnh tiến vị trí quy hoạch buộc phải tháo dỡ, chủ đầu tư này xin nộp số lợi bất hợp pháp đối với phần diện tích vi phạm, tháo dỡ phần công trình có diện tích vi phạm vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, được tiếp tục sử dụng và điều chỉnh thủ tục.
Còn đối với 27 công trình vi phạm diện tích nhỏ so với giấy phép, đúng và tịnh tiến vị trí quy hoạch buộc phải tháo dỡ thì doanh nghiệp xin được tiếp tục sử dụng và điều chỉnh thủ tục.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, các công trình vi phạm đều được cấp giấy phép xây dựng, đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nên việc tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm khoảng 4.000 m2 sàn xây dựng sẽ tiêu tốn kinh phí khoảng 40 tỉ đồng, sẽ gây bức xúc cho các thành viên đầu tư vào dự án.
Do vậy, chủ đầu tư KDL Nam Hồ mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng chấp thuận những đề nghị nêu trên.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, dự án KDL Nam Hồ được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3-2005 với diện tích 10,3 ha, sau đó tăng lên 15 ha, tổng vốn đầu tư 110 tỉ đồng.
Theo Thanh tra tỉnh, từ năm 2010 đến 2021, dự án với 5 lần được gia hạn tiến độ, 2 lần điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng đã thể hiện sự yếu kém trong đầu tư cũng như năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Khu vực được cấp phép làm khu trung tâm thương mại - dịch vụ bị "hô biến" thành 15 căn hộ, khu trà hoa viên thành 12 biệt thự, khu ẩm thực thành 3 biệt thự. Các vị trí này không sử dụng đúng công năng, mục tiêu dự án. Một số công trình có dấu hiệu có người ở lâu dài mà không phải hoạt động kinh doanh du lịch cùng nhiều vi phạm về trật tự xây dựng khác.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt doanh nghiệp này 300 triệu đồng, buộc nộp lại số lợi bất chính hơn 3,9 tỉ đồng vì hành vi chuyển 1,43 ha đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên sang mục đích khác (đất phi nông nghiệp) mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép để xây dựng các công trình tại dự án này.
Bình luận (0)