xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặc sản Tết vào mùa

Bài và ảnh: Ca Linh

Các làng nghề ở miền Tây đang tất bật vào mùa sản xuất, chuẩn bị những sản phẩm vừa truyền thống vừa mới lạ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025

Bánh tráng được xem là một trong những món ăn khó thiếu trong ngày Tết của người dân ĐBSCL và nhiều vùng miền. Đây cũng là loại bánh được nhiều người lựa chọn mua làm quà. Nhắc đến loại bánh này, không thể bỏ qua làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã có hơn 100 năm tuổi.

Đầu tư thêm máy móc

Theo ông Lương Văn Thông, Giám đốc HTX Bánh tráng cù lao Mây, thời điểm này, làng nghề bắt đầu nhộn nhịp hơn ngày thường do các cơ sở chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường dịp Tết.

Tiếng máy xay bột, mùi thơm của gạo mới và những tấm bánh tráng trắng tinh phơi đầy sân là khung cảnh quen thuộc của làng nghề mỗi khi vào vụ Tết. Đây không chỉ là thời gian bận rộn nhất trong năm mà còn là lúc niềm vui, hy vọng về một mùa Tết sung túc tràn ngập trong lòng người dân làng nghề.

Bà Trần Thị Thúy Liễu, ngụ tại cù lao Mây, đã có trên 40 năm làm nghề tráng bánh. "Tôi vừa mua thêm lò tráng bánh, tổng cộng gia đình đã có 3 lò để sản xuất cho những đơn hàng dịp Tết. Do giá nguyên liệu đầu vào như gạo, sữa, đường… đều tăng nên dự kiến giá bán năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm trước" - bà cho hay.

Để tạo sản phẩm đa dạng, thu hút thêm khách hàng, bên cạnh thương hiệu bánh tráng thanh long lâu nay, cơ sở bà Liễu sẽ đưa ra thị trường bánh tráng mít ruột đỏ. Giá bán 2 loại bánh tráng này là 40.000 đồng/10 cái - cao hơn 3.000 đồng so với bánh tráng ớt, bánh tráng sữa.

Tại TP Cần Thơ, nghề làm bánh tráng ở làng nghề Thuận Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhờ vậy, sản phẩm bánh tráng Thuận Hưng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Theo bà Phạm Bích Tuyền, ngụ phường Thuận Hưng, Tết là dịp tăng sản phẩm ra thị trường nên dù vất vả, các cơ sở vẫn cố gắng tráng bánh để kịp giao, có khi thức cả đêm. "Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, gia đình tôi vừa mua 2 máy tráng bánh hiện đại trị giá gần 300 triệu đồng. Đây là sự đầu tư cần thiết để nâng cao năng suất sản xuất" - bà bày tỏ.

Với 2 máy mới này, cơ sở của bà Tuyền dự kiến có thể cho ra lò 6.000 - 7.000 chiếc bánh/ngày trong dịp Tết. Sản phẩm của cơ sở khá đa dạng, từ bánh tráng ngọt truyền thống đến bánh tráng dừa quen thuộc.

Tuy nhiên, bà Tuyền cũng không giấu được nỗi lo khi nhắc đến giá nguyên liệu - năm nay gạo, đường, dừa... đều tăng. Cơ sở của bà cố gắng giữ chất lượng sản phẩm nhưng khó thể giữ giá bán như năm ngoái. Dù vậy, bà vẫn tin tưởng, hy vọng về một mùa Tết làm ăn hiệu quả khi những chiếc bánh tráng thơm ngon của cơ sở sẽ góp phần làm nên hương vị Tết truyền thống trong các gia đình.

Đặc sản Tết vào mùa- Ảnh 1.

Những tháng cận Tết là dịp để các cơ sở sản xuất tàu hũ ky ở làng nghề Mỹ Hòa tăng công suất

Tăng công suất gấp hai - ba lần

Cơ sở của ông Chương Văn Khanh ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt lâu nay chỉ kinh doanh mắm cá tra, khô cá tra. Dịp Tết sắp tới, gia đình ông dự tính sẽ tung ra nhiều sản phẩm mới.

Từ thành công của mắm và khô cá tra, tiếng lành đồn xa, khách hàng ngày càng đông và họ mong muốn thưởng thức thêm nhiều sản phẩm mới. Thấy được nhu cầu này, ông Khanh quyết định sản xuất thêm mắm cá linh, mắm cá lóc và mắm cá mè vinh.

"Gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu để làm các loại mắm. Khách đã đặt nhiều đơn hàng, dự kiến sản lượng mắm Tết năm nay của cơ sở sẽ tăng lên 20%-30% so với năm rồi" - ông Khanh thông tin.

Tại tỉnh Vĩnh Long, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa ở thị xã Bình Minh những ngày này cũng tất bật vào mùa sản xuất Tết. Trong những căn nhà nhỏ ven sông tại xã Mỹ Hòa, tiếng máy xay đậu vang lên đều đặn.

Nhiều đời nối tiếp, bí quyết làm tàu hũ ky được những gia đình trong làng nghề trao truyền cẩn thận, giữ trọn hương vị truyền thống mà vẫn đáp ứng được thị hiếu hiện đại. Trong đó, cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Công đã trở thành một phần không thể thiếu của làng nghề. Mỗi ngày, cơ sở của ông cho ra lò 80 kg tàu hũ ky. Những miếng tàu hũ vàng óng, thơm ngon được bán chỉ với giá 120.000 đồng/kg.

"Càng gần Tết, đơn đặt hàng càng dồn dập, từ chợ địa phương đến các chợ thành phố lớn như Cần Thơ, TP HCM. Tết này, chúng tôi phải tăng công suất gấp đôi, có khi gấp ba mới đủ cung ứng. Nhiều khách thân thiết đã đặt hàng từ tháng trước vì lo Tết không còn sản phẩm bởi năm nào, tàu kỹ ky của làng nghề Mỹ Hòa cũng "cháy" hàng" - ông Công tự tin. 

Đặc sản Tết vào mùa- Ảnh 2.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đang rộn rã vào mùa sản xuất Tết

Nhiều năm nay, chả hoa đã trở thành món ăn phổ biến ngày Tết và cả những dịp tiệc tùng ở các tỉnh, thành miền Tây. Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy (tỉnh Trà Vinh), cho hay ngoài chả hoa, Tết năm nay, công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm, gồm: chả lụa, chả cá, chả thủ, ba tê, xúc xích, nem chua…

"Gần đây, giá cả các nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá bán sản phẩm dịp Tết sắp tới. Chúng tôi cam kết giữ vững chất lượng sản phẩm - một trong những cách để doanh nghiệp có được niềm tin của khách hàng" - ông Chinh khẳng định.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo