Ngày 13-12, tại phiên thảo luận của kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đã nêu vấn đề về tình trạng cán bộ sợ sai, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Nguyện nêu 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ở 2 khía cạnh tâm lý và pháp lý.
Về tâm lý, theo ông Nguyện, cán bộ đa số hướng đến mục tiêu an toàn cho bản thân. Ví dụ, vừa qua xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp. Sau đó, thành phố đề nghị dừng do không đúng quy định về đất đai, quy hoạch.
Việc này gây khó khăn cho sinh kế của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Đại biểu Nguyện cho rằng việc này đã làm khó chính cán bộ, công chức.
Để giải quyết chuyện này, ông Nguyện cho rằng nguời đứng đầu phải vững vàng, bảo vệ được cấp dưới. "Từ đó, cán bộ cấp dưới mới có thể làm theo. Người đứng đầu sợ sai thì sẽ rất khó" - ông nhấn mạnh.
Theo đại biểu này, "lãnh đạo là để cấp dưới dựa vào; lãnh đạo yếu thì cấp dưới cũng ngã luôn".
Ông Nguyện kiến nghị Đà Nẵng lập tổ công tác với sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra để chấn chỉnh kịp thời cơ quan, đơn vị có thái độ làm việc chưa tốt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, báo cáo về trách nhiệm của các ngành, các cấp trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Ở khía cạnh pháp lý, đại biểu Nguyện cho hay công chức là loại hình lao động xã hội đặc biệt. Vì vậy, trong khi làm việc, công chức phải luôn làm đúng quy định của pháp luật. Nếu pháp luật có bất cập thì không thể yêu cầu công chức làm khác quy định.
Cũng theo đại biểu này, không có hệ thống pháp luật nào trên thế giới có thể quản lý hay đáp ứng được hết thực tiễn. "Pháp luật về hành chính phải trao quyền cho Chính phủ, chính quyền địa phương được quyết định các tình huống mà pháp lý không điều chỉnh hoặc có xung đột thì mới đáp ứng được thực tiễn" - ông Nguyện lý giải.
Bên cạnh đó, đại biểu này đề nghị cơ quan giám sát cần thay đổi và điều chỉnh theo hướng đặt tính hiệu quả của công việc lên trên. "Đúng pháp luật nhưng không hiệu quả thì cần điều chỉnh" - đại biểu Nguyện nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho rằng mục đích chính là giải quyết thực tiễn và công việc cho người dân. Vì vậy, khi pháp luật còn sơ sót thì cơ quan giám sát phải trưng cầu ý kiến, giám định của các cơ quan lập pháp, lập quy rồi kết luận; tránh việc pháp luật có cách hiểu khác nhau mà kết luận theo ý của cơ quan giám sát thì công chức không dám làm.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay vào tháng 10 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 34 nêu các biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ, công chức. Ông Triết đề nghị UBND thành phố và các ngành phải chú ý nêu gương người đứng đầu, đồng thời có chế tài xử lý cán bộ vi phạm các biểu hiện trên.
Bình luận (0)