Ngày 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Nhấn mạnh tình trạng giá nhà đất tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thời gian qua tăng rất cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Theo nữ đại biểu, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. "Tại buổi họp báo ngày 17-10 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường"- đại biểu Thủy nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, từ đầu năm đến nay, giá nhà đất liên tục tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự…
"Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư"- đại biểu phân tích và nêu rõ, các chung cư đã đưa vào sử dụng vài thập kỷ, nhưng hiện giá vẫn tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm mua.
Bên cạnh đó, còn nóng lên câu chuyện đấu giá đất ở một số huyện ven đô, lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi.
Trong khi đó, vẫn tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, và thực tiễn này có xu hướng ngày càng tăng cao. Đại biểu Thủy cũng nhìn nhận hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp…
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu như thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này. Cùng với đó, nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh giá nhà ở tại Hà Nội, TP HCM đang lên quá cao, ví dụ như khu tái định cư cũ kỹ mà cũng đến 70 triệu đồng/m2. "Tình trạng này cũng có phần là do các chiêu trò thổi giá, tuy nhiên rất khó xử lý vì nó là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, có đóng thuế, phí khi chuyển nhượng"- ông An nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Bà Nga cho rằng đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng. Có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này.
Đại biểu mong muốn Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan.
Bình luận (0)