Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) quan tâm đến các quy định về quản lý giá thuốc. Theo đó, tại Điều 2 của dự thảo nêu khái niệm về "Giá bán buôn thuốc dự kiến", bà Hà cho biết điều này được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.
Tuy nhiên, dẫn báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.
"Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao"- bà Hà nêu lo ngại.
Quy định tại Điều 107 đã nêu những biện pháp quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, về quy trình khi tiếp nhận hồ sơ công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Bộ Y tế không thực hiện rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành.
Ngoài ra, dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. "Vậy câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, còn quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc"- đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Dự thảo Luật cũng đề xuất UBND cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, theo quy định tại Luật Giá. Tuy nhiên, đại biểu lo ngại nếu không có tiêu chí để địa phương ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến cách tổ chức thực hiện khác nhau, cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.
Nữ đại biểu đoàn TP Hà Nội nhấn mạnh thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri mong muốn giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo quy định của luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo luật lần này hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá. Do đó, bà Hà đề nghị ban soạn thảo cần có quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Quan tâm quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết hiện dự thảo đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỉ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỉ đồng.
Ông Thành cho rằng đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm.
"Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, cần phát xem xét lại nội dung này"- đại biểu Thành nêu quan điểm.
Liên quan đến quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT), đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh qua TMĐT.
"Với sự phát triển của TMĐT, việc có các quy định này sẽ bảo đảm việc giao dịch thuốc trực tuyến được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng"- đại biểu Hùng nêu rõ.
Bình luận (0)