Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định để phù hợp với bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đó, cần có quy định thể hiện rõ chính quyền cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
Đại biểu Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung vào khoản 4, điều 16 dự án Luật quy định về quy trình lập quy hoạch tỉnh, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã, cũng như yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian giao thương, hạ tầng sản xuất của địa phương mình.
Theo quan điểm của ông Hùng, cấp xã tuy không có quyền quyết định quy hoạch, nhưng lại là nơi trực tiếp quản lý hiện trạng sử dụng đất và dân cư. Nếu không có cơ chế ràng buộc vai trò của cấp xã thì việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ thiếu lực lượng.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn, theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt, định kỳ báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ. Ảnh: Phạm Thắng
Ở góc nhìn tổng thể, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng Luật Quy hoạch được quan tâm và sửa rất nhiều nhưng vẫn rối, cơ sở rất khó triển khai thực hiện. "Nếu sửa thế này đã thực sự là tận gốc vấn đề hay chưa?"- ông Hạ băn khoăn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này hướng đến chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, từ cách tiếp cận truyền thống phân ngành, cục bộ sang mô hình tích hợp đa ngành, tổng thể và liên thông. Theo đánh giá của đại biểu Hạ, đây là bước thay đổi căn bản nhằm đảm bảo các quy hoạch kết nối chặt chẽ, tránh chồng lấn và xung đột về không gian, mục tiêu hay chỉ tiêu.
Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia tại địa phương vẫn chưa nắm bắt được tinh thần mới này, còn hạn chế trong cách tiếp cận và khả năng phối hợp liên ngành. Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh luật mới cần một "nhạc trưởng" có kinh nghiệm, có tầm nhìn để kết nối và tích hợp các quy hoạch, nhưng hiện nay chưa có.
"Phải tìm cho đúng nguyên nhân tại sao luật sửa hoài vẫn vướng. Tôi cho rằng chúng ta cần bình tĩnh để xem xét, có chỉnh sửa căn bản mới giải quyết được bài toán về quy hoạch" - đại biểu Tạ Văn Hạ kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Thu (đoàn Đắk Lắk) cho biết dự thảo chỉ đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế lập quy hoạch cho ba loại quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chưa đề cập đến quy hoạch ngành quốc gia.
Trong khi đó, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể quốc gia.
Vị đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế phản hồi giữa cơ quan lập quy hoạch, Hội đồng thẩm định và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thực tế cho thấy các địa phương thường mất ít nhất 3 tháng để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan khi điều chỉnh quy hoạch cấp huyện trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, gây chậm trễ và lãng phí nguồn lực.
Từ thực tế đó, đại biểu Thu đề xuất quy định cụ thể các cơ quan được xin ý kiến phải trả lời bằng văn bản trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận hồ sơ. Nếu quá thời hạn này mà không phản hồi, coi như đồng ý.
Theo bà Thu, quy định này sẽ đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan, tránh tình trạng "xã chờ tỉnh, tỉnh chờ Trung ương". Đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bình luận (0)