Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho biết cơ bản nhất trí với báo cáo về kinh tế-xã hội do Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, năm 2023 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng: Kinh tế phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông; nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần tập trung có giải pháp quyết liệt để thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu Thi cho rằng hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại biểu phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, đại biểu quan tâm đến vấn đề về an ninh, an toàn thực phẩm, an toàn trên không gian mạng.
Theo đại biểu, vấn đề phòng cháy chữa cháy nói chung và đặc biệt là các chung cư mini, căn hộ cho thuê tiếp tục gióng lên hồi chuông về thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy… "Vấn đề ở đây là nguyên nhân do đâu, do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật hay do việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới" - Đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu rõ.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng những vụ việc cháy nhà trọ vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan. Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa.
Bên lề Quốc hội, nói về vụ cháy nhà trọ làm 14 người tử vong ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) mới đây, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho biết vụ cháy xảy ra rất thương tâm.
"Đây là vấn đề Hà Nội trong thời gian qua chưa khắc phục được. Nhiều năm nay đã xảy ra nhiều vụ cháy Thủ đô liên quan đến nhà trọ mini, khách sạn, chung cư mini... do không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết để có cảnh báo. Nếu cương quyết trong công tác này thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này, hạn chế xảy ra những vụ cháy làm chết người thương tâm".
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy chữa cháy và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ. Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy rất thương tâm khiến hàng chục người tử vong, trong đó có vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, vụ cháy tại nhà trọ ở quận Cầu Giấy khiến 14 người tử vong...
Bình luận (0)