Liên minh châu Âu (EU) nói chung và nhiều quốc gia trên châu lục đã tìm cách giải quyết theo cách tiếp cận riêng, bằng những mô hình giải pháp riêng nhưng cho đến nay đều chưa thành công.
Chẳng hạn, EU hồi tháng 4 năm nay đã có hẳn một hiệp ước mới về vấn đề này. EU đã ký kết thỏa thuận song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Tunisia để các nước này ngăn chặn dòng người tị nạn và di cư từ châu Phi đến EU. Đổi lại, 3 nước nói trên nhận về những khoản tiền hậu hĩnh từ EU.
Hay như Anh đẩy người di cư về Rwanda, Đan Mạch và Hà Lan đẩy người di cư về Uganda. Mới đây nhất, chính phủ Ý áp dụng phương cách được gọi là "Mô hình Albania", tức là đẩy người di cư về một địa điểm ở Albania.
Tất cả những biện pháp này đều đưa lại hiệu ứng nhất định nhưng vẫn chưa đủ để giúp các nước châu Âu giải quyết ổn thỏa, dứt điểm và lâu bền điểm nghẽn tị nạn, di cư và nhập cư.
Nguyên do là trong nội bộ EU vẫn không có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng và phối hợp hành động hiệu quả, các mô hình giải pháp riêng rẽ chỉ có được tính khả thi rất hạn chế bởi gặp vướng mắc về pháp lý quốc gia, pháp lý quốc tế và luật pháp chung của EU.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Tunisia đều đã biến EU thành con tin của họ thông qua việc giúp EU giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, vấn đề tị nạn, di cư và nhập cư trở nên đặc biệt nổi cộm ở châu Âu, trước hết bởi mọi ý tưởng giải pháp nói trên đều chỉ đưa lại kết quả khiêm tốn trong khi dòng người từ bên ngoài đổ về châu Âu ngày càng nhiều.
Những nguyên do khác là xung đột ở Ukraine và Trung Đông, tình trạng đói nghèo ở nhiều quốc gia châu Phi và Afghanistan, thiên tai, thiếu cơ hội giáo dục - đào tạo, làm việc ở những quốc gia và khu vực liên quan.
Các quốc gia châu Âu nói riêng và EU nói chung đang tăng cường mạnh mẽ các biện pháp, chính sách cứng rắn và khắt khe hơn.
Chẳng hạn, các biên giới trên bộ và trên biển bị kiểm soát chặt chẽ, tiêu chí và điều kiện chấp nhận tị nạn và nhập cư được siết chặt, việc đẩy trả người di cư về nơi xuất phát được thực hiện nhanh chóng, kiên quyết và triệt để hơn. Sẽ có không ít tiêu chí và tiêu chuẩn về nhân đạo lẫn nhân quyền được vận dụng phổ quát lâu nay bị nới lỏng, thậm chí là bất chấp.
Nguy cơ xung khắc giữa các nước châu Âu và người tị nạn, di cư và nhập cư sẽ còn gia tăng, tương tự như vậy giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế trên lĩnh vực này.
Ở không ít quốc gia sẽ càng thêm căng thẳng và bất hòa về chính trị, xã hội nội bộ. Và hệ lụy lớn của thực trạng ấy là sự trỗi dậy mạnh mẽ và lan rộng của các lực lượng cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Bình luận (0)