Hơn 10 năm nay, kể từ khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu phá sản, ngừng hoạt động, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) luôn trở thành "điểm nóng".
"Bệnh nan y" ở Bồng Miêu
Mỗi năm, dù lực lượng công an và các ngành chức năng từ xã đến tỉnh Quảng Nam tổ chức hàng chục đợt truy quét nhưng đâu lại vào đó - truy quét chỗ này lại nở rộ chỗ kia. Tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh được ví như căn bệnh nan y không thể nào chữa khỏi. Hậu quả là nhiều khu vực núi đồi bị đào xới ngổn ngang, sông suối bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hóa chất độc hại thải ra từ hoạt động khai thác vàng.
Gần đây, ngày 2-11, tổ công tác của UBND xã Tam Lãnh phối hợp với Trạm Kiểm lâm Phú Ninh tiến hành kiểm tra tại khu vực Sũng Mùn (thôn Bồng Miêu), đã phát hiện ông Phạm Thế Vũ (SN 1983; trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng; tạm trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) đang tổ chức khai thác vàng trái phép. Qua làm việc, ông Vũ khai từ tháng 8, đã cùng 2 người khác ở huyện Phú Ninh hợp tác đầu tư, góp vốn xây dựng hầm lò để khai thác vàng trái phép tại khu vực Sũng Mùn. Các đối tượng nói trên sử dụng 16 lao động với nhiều phương tiện cơ giới để khai thác vàng trái phép.
Ông Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu đã kéo dài nhiều năm và rất khó xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là vì địa hình rộng lớn, đồi núi khó đi trong khi lực lượng của xã ít nên truy quét không xuể.
Ngày 9-11, qua tin báo của người dân, Tổ an ninh trật tự cơ sở và Công an xã Tam Thành phát hiện tại khu vực núi Đá Ngựa một đường hầm dài 59 m, có dấu hiệu đào bới và dấu vết mới bị tác động (khoan, đục, đưa đất đá ra bên ngoài miệng hầm). Tổ công tác phát hiện nhiều công cụ, phương tiện, thiết bị nghi có liên quan hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và đã lập biên bản tịch thu tang vật.
Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo công an huyện, hướng dẫn của Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện, Công an xã Tam Thành đã ban hành quyết định về việc trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Lý do là không có căn cứ xác định toàn bộ công cụ, phương tiện thuộc sở hữu của bà H. đã được sử dụng vào việc khai thác vàng trái phép. Đối với 39 bao lát chứa đá 1.107 kg, qua giám định có hàm lượng vàng trong mẫu đá, đề xuất ra quyết định tịch thu và trình phương án để phê duyệt xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND xã Tam Thành cho rằng việc khai thác khoáng sản tại núi Đá Ngựa đã được nhân dân cung cấp thông tin, UBND xã đã 3 lần tổ chức truy quét và 2 lần tịch thu tang vật, nên kết quả xử lý vụ việc như trên sẽ làm mất lòng tin của cán bộ và người dân. Vì vậy, UBND xã đề nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý và có văn bản trả lời UBND xã Tam Thành về kết quả điều tra, xử lý vụ việc.
Xử lý chưa hiệu quả
Trong văn bản chỉ đạo mới đây, ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 63 cuộc truy quét "vàng tặc" tại xã Tam Lãnh. Nhưng đến nay, tình hình khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc kiểm tra, truy quét, xử lý chưa hiệu quả. Đáng chú ý, tại khu vực Sũng Mùn, Đồi Sim diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật với quy mô lớn, nhiều đối tượng tham gia, sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện nhưng chưa được kiểm tra, xử lý theo đúng chỉ đạo của UBND huyện.
Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh yêu cầu Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Tam Lãnh tăng cường kiểm tra, truy quét các điểm nóng khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì củng cố hồ sơ, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định để răn đe, giáo dục và có biện pháp quản lý, không để tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái pháp luật tại các khu vực đã tổ chức truy quét, đẩy đuổi.
Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cũng yêu cầu UBND xã Tam Thành chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và các cơ quan liên quan kiểm tra nguồn gốc đất, xác minh việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ dân có đất trồng rừng tại khu vực núi Đá Ngựa với bà H.; việc xây dựng các công trình kiên cố, tiến hành xử lý nghiêm nếu vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu Công an huyện khẩn trương điều tra, xác minh, triệt phá nạn khai thác khoáng sản trái pháp luật tại núi Đá Ngựa. Trong khi đó, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng vừa có văn bản yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm vi phạm, bất kể đó là ai.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Trước tình hình khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp, tháng 3-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành văn bản yêu cầu chấn chỉnh. Trong đó, Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản vàng trái phép.
Bình luận (0)