Sáng 1-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội, phiên thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028), đã diễn ra với sự tham dự của 1.100 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên Công đoàn trong cả nước.
Gửi trọn niềm tin
Trước khi diễn ra phiên làm việc, các đại biểu đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Phát biểu khai mạc phiên thứ nhất, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo. Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động (NLĐ) và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vì đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân (CN) và tổ chức Công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII. Đồng thời, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh trong những ngày này, hơn 11 triệu đoàn viên Công đoàn và NLĐ cả nước đang hướng về đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của đại hội. Vì vậy, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế, góp phần vào thành công của đại hội.
Linh hoạt, sáng tạo trong chăm lo
Trình bày báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và đất nước có cả thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, Nghị quyết Đại hội XII và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thường trực Đoàn Chủ tịch đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án trình và tham mưu đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Ban Chấp hành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, NLĐ; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết; xác định 59 vấn đề quan trọng nhằm cụ thể hóa và ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo tiến hành sơ kết sớm Nghị quyết số 9c/NQ-BCH ngày 18-10-2016, quyết định dừng việc thực hiện nghị quyết đối với Công đoàn cơ sở khu vực sản xuất - kinh doanh từ ngày 1-1-2020; thông qua chủ trương về việc miễn đóng đoàn phí Công đoàn đối với đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở, đồng thời ủy quyền cho Đoàn Chủ tịch nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính Công đoàn.
Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội đất nước, các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào CNVC-LĐ và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Mặt khác, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều nội dung định hướng chiến lược cần phải được cụ thể hóa thành các quy định trong hoạt động Công đoàn. "Điều lệ Công đoàn Việt Nam khi được đại hội thông qua, là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam lớn mạnh cả về tư tưởng và tổ chức, tạo nên bước ngoặt trong tình hình mới, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đoàn viên Công đoàn cả nước" - ông Xuân nhấn mạnh.
Ông LÊ QUANG TOẢN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên:
Lựa chọn cán bộ tâm huyết, bản lĩnh
Với tinh thần "Đổi mới, Dân chủ, Đoàn kết, Phát triển", tôi tin tưởng rằng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ bầu chọn được những cán bộ Công đoàn tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028, đủ bản lĩnh, nhiệt huyết, trách nhiệm, đề ra nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, những cách làm hay, sáng tạo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên và NLĐ. Tôi cũng kỳ vọng đại hội sẽ có thêm nhiều giải pháp để tập trung nguồn lực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập, để tổ chức Công đoàn tiếp tục là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên, NLĐ.
Bà NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Giúp công nhân an cư
Bình Dương có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó có 70% NLĐ có nhu cầu về nhà ở. Đoàn viên, NLĐ ở Bình Dương rất vui mừng khi Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho CN, NLĐ thuê. Tôi mong muốn đại hội lần này đề ra quyết sách thúc đẩy triển khai hoạt động xây dựng nhà cho CN thuê, mua, bởi nhà ở là nhu cầu thiết yếu, bức thiết nhất của NLĐ hiện nay.
Nhóm phóng viên
Đại diện, bảo vệ người lao động là cốt lõi
Chiều cùng ngày, đại hội đã chia 10 tổ thảo luận để góp ý vào báo cáo chính trị, 3 khâu đột phá và những giải pháp, kiến nghị để xây dựng giai cấp CN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Góp ý vào việc đổi mới công tác tập hợp, vận động, NLĐ khu vực phi chính thức vào tổ chức Công đoàn, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành giao thông vận tải TP Hà Nội, cho rằng cần phải nắm chắc nhu cầu của mỗi đối tượng đoàn viên để giải đáp được câu hỏi "Tham gia Công đoàn thì NLĐ được gì". Cùng với đó là những hoạt động thiết thực, chăm lo kịp thời để NLĐ biết và tự nguyện gia nhập Công đoàn.
Đánh giá về 3 khâu đột phá đề ra tại đại hội, ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, nhìn nhận đây là những nhiệm vụ chủ yếu của Công đoàn, trong đó tập trung cao nhất là nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, đây là nhiệm vụ số 1 và là vấn đề sống còn của tổ chức Công đoàn. Để thực hiện được điều này, Công đoàn cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các chính sách để hoàn thiện cơ chế, chính sách về pháp luật. Ngoài ra, Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các thiết chế, công trình phúc lợi ở các KCN-KCX để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ.
Sáng nay (2-12), phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội. Đại hội trân trọng mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dự, phát biểu chỉ đạo đại hội.
Bình luận (0)