Tại buổi chia sẻ thông tin về Liên bang Nga hiện nay diễn ra ngày 15-5 ở Hà Nội, Đại sứ Gennady Bezdetko bày tỏ: "Tôi chắc chắn sẽ vô cùng vui mừng nếu Việt Nam quyết định tham gia BRICS".
Đại sứ cho biết từ cấp trung ương đến địa phương Nga đều rất hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên tiếp theo của BRICS, có thể với một hình thức phù hợp mà Việt Nam lựa chọn. Năm nay Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối.
Đại sứ Nga cũng nhấn mạnh BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế thế giới và các thành viên BRICS đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, tài chính thế giới.
Ông khẳng định BRICS là một khối đoàn kết, đang trên chặng đường phát triển, mở rộng và có nhiều động lực để phát triển trong thời gian tới. Hiện tại cũng có nhiều quốc gia mong muốn tham gia vào khối này, đồng thời nhiều ý tưởng và đường hướng phát triển mới cũng được đặt ra với khối để có thể phát triển tốt hơn.
Theo Đại sứ Bezdetko, BRICS không quy định hay ràng buộc khắt khe với các nước, mà chủ trương đường hướng tham gia mở, phù hợp với từng quốc gia. Do đó, đây là "một hình thức hợp tác phù hợp với Việt Nam".
Nhóm BRICS thành lập năm 2009, do Nga khởi xướng cùng Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc; sau đó kết nạp thêm Nam Phi năm 2010. Năm 2024, BRICS có thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hiện các quốc gia thuộc khối BRICS chiếm 30% diện tích và 45% dân số trên toàn thế giới.
Trước đó, khi được hỏi về khả năng Việt Nam gia nhập BRICS trong năm 2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, đều quan tâm theo dõi tiến trình về mở rộng thành viên của nhóm BRICS.
Thúc đẩy hợp tác trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin
Cũng tại buổi chia sẻ thông tin, Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam V.N.Kharinov cho biết ngày 7-5- 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh "Về các mục tiêu quốc gia phát triển của Liên bang Nga cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036". Sắc lệnh này xác định một số tiêu chí có tính mục đích, việc thực hiện chúng sẽ phản ánh việc đạt được mục tiêu quốc gia "Nền kinh tế ổn định và năng động" và dự án quốc gia "Hợp tác quốc tế và xuất khẩu".
Mục tiêu đến năm 2030, sẽ tăng sản lượng xuất khẩu không nguyên liệu không năng lượng ít nhất là 2/3 so với năm 2023 và tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm của tổ hợp công-nông nghiệp ít nhất là gấp rưỡi so với năm 2021.
"Điều vui mừng là các công ty Nga đang hoạt động tích cực tại Châu Phi, và chúng tôi sẽ phải làm điều này tại Châu Mỹ Latinh và Châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam. Dự án quốc gia mới "Hợp tác quốc tế và xuất khẩu" được kỳ vọng hỗ trợ họ trong việc này"- ông Kharinov nói.
Từ năm 2016, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã thực hiện quy chế thương mại tự do. Ngoài ra, ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang tham gia vào 15 thỏa thuận về quản lý hải quan đơn giản hóa. Do đó, việc kích hoạt hợp tác công nghiệp cùng có lợi sẽ cho phép đem lại một xung lực mới cho sự phát triển xuất khẩu không nguyên liệu không năng lượng của Nga vào các thị trường trong khu vực và đưa ra các sản phẩm và năng lực mới vào nền kinh tế và thương mại của Việt Nam.
Tại Khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban Liên chính phủ Nga-Việt Nam về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật năm 2023, hai bên đã thảo luận về hiệu quả triển khai Hiệp định Thương mại Tự do giữa EAEU và Việt Nam và các phương cách nhằm gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2025. Việc đạt được các thỏa thuận này có thể thực hiện được thông qua các dự án hỗn hợp lớn dài hạn cùng việc hỗ trợ của hai chính phủ.
Nhắc đến những "điểm sáng" trong hợp tác kinh tế như Khu công nghiệp Việt-Nga ở Hải Phòng, doanh nghiệp lắp ráp ôtô "GAZ THANH DAT, ông nhấn mạnh tiềm năng lớn cho sự hợp tác công nghiệp giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế, cũng như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Phía Nga mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong sản xuất dược phẩm, an ninh mạng, thành phố thông minh, số hóa ngân hàng, giải pháp số hóa cho doanh nghiệp, công nghiệp khai thác khoáng sản và nông nghiệp.
Buổi chia sẻ thông tin về Liên bang Nga hiện nay do Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức.
Bình luận (0)