Những thành tựu mà đất nước đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là vô cùng vĩ đại. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn ngày đêm tìm mọi cách để xuyên tạc, rêu rao một đảng cầm quyền, lãnh đạo là độc tài, mất dân chủ, với ý đồ phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hạt nhân của hệ thống chính trị
Nhân danh những ý kiến phản biện xã hội, lồng ghép vào trong một số hội thảo khoa học, những diễn đàn trên mạng xã hội, một số "chuyên gia", "nhà hoạt động dân chủ" lớn tiếng đưa ra luận điểm: "Một đảng cầm quyền, lãnh đạo là độc tài, mất dân chủ, cần phải thực hiện đa đảng ở Việt Nam hiện nay".
Thực tế chứng minh những luận điểm này là phi lý, sai lầm, cần đấu tranh bác bỏ. Bởi, trước hết, dân chủ là khát vọng của con người, là giá trị của văn minh nhân loại, là chính quyền thuộc về nhân dân, là mục tiêu của xã hội. Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình quản trị quốc gia thể hiện sự quản lý xã hội dưới sự lãnh đạo và hoạt động của các đảng chính trị.
Song, trình độ dân chủ trong xã hội phụ thuộc quyết định vào chế độ kinh tế, chế độ chính trị của quốc gia, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, bản chất giai cấp của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị của một quốc gia.
Một số nước chỉ có một đảng, nhưng xã hội vẫn dân chủ. Chế độ một đảng hay nhiều đảng không phải là dấu hiệu của một chế độ dân chủ hay không dân chủ.
Hai là, ở Việt Nam hiện nay đang thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện duy nhất một Đảng Cộng sản cầm quyền. Chế độ dân chủ đó vừa phản ánh tính phù hợp quy luật của thực trạng quan hệ xã hội nước ta, vừa là sự lựa chọn khách quan của lịch sử.
Cuộc khảo nghiệm nghiêm khắc trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc đã chứng tỏ ngoài Đảng Cộng sản, không một Đảng hoặc một lực lượng chính trị nào khác có thể đưa ra một cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam để giải quyết đồng thời, thống nhất được hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ba là, từ năm 1945 - 1988, ở nước ta có nhiều đảng chính trị, thậm chí giai đoạn 1945 - 1946 còn có cả các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Đông Dương, đã có hai lần lập Chính phủ liên hợp gồm nhiều đảng, song Đảng ta đã giữ vững vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và lãnh đạo xã hội. Khi Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ - vì những lý do nội bộ và do tự thấy không có vai trò đáng kể đối với xã hội - tự giải tán vào năm 1988 thì nước ta chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bốn là, trong xã hội Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản là hạt nhân của hệ thống chính trị, bảo đảm bản chất dân chủ của xã hội. Mục tiêu của Đảng và của dân tộc là thống nhất, đó là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nâng cao năng lực cầm quyền
Một đảng duy nhất cầm quyền không dẫn đến mất dân chủ. Nhưng muốn tránh nguy cơ độc đoán, chuyên quyền thì đảng phải luôn đề ra đường lối đúng đắn và xác định nội dung, phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị theo đúng tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện".
Do vậy, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì luôn tự giác phê bình và tự phê bình theo đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng.
Đồng thời, nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Bởi lẽ, nhà nước ta là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời Nhà nước là cơ quan quản lý xã hội, thể hiện quyền lực của nhân dân làm chủ.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bởi lẽ, đây là các tổ chức tập hợp, đoàn kết nhân dân trong cơ chế chung: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Vai trò của các tổ chức này ngày càng quan trọng trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, khi Đảng, Nhà nước ta đang tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, khi các tập thể, cá nhân được khuyến khích đem hết tài năng cống hiến cho đất nước.
Được nhân dân tín nhiệm
Thực tế lịch sử khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền là do Đảng đi tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân và dân tộc Việt Nam, đưa đến cách mạng thành công, giành chính quyền. Đảng được sự tín nhiệm, ủng hộ của quần chúng nhân dân, mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân yêu mến gọi là "Đảng ta".
Bình luận (0)