Ba Đồn từng là trung tâm của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Ba Đồn trở thành phường trung tâm của thị xã Ba Đồn - đô thị trẻ ven sông Gianh.
Cùng nhau hiến đất mở đường
Tuyến đường dẫn vào xóm Mít, khu phố 4, phường Ba Đồn ngày nay khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự thông thoáng. Con hẻm nhỏ chỉ rộng chừng 2 m nay thành đường rộng trên 5 m, có chỗ gần 7 m.
Dẫn chúng tôi đi một vòng xóm Mít, ông Đinh Thiếu Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, cho hay để có được những con đường khang trang, địa phương phải rất quyết liệt. Giữa năm 2022, Đảng bộ phường Ba Đồn ban hành nghị quyết về xây dựng mô hình khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu, quyết tâm xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2025.
Để được công nhận đạt chuẩn này, đòi hỏi Ba Đồn phải hoàn thành nhiều tiêu chí và giao thông là tiêu chí khó nhất, bởi phường vốn có nhiều hẻm nhỏ, đường chật chội. Nhưng khó mấy cũng làm, cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Bắt đầu từ những nơi dễ, là các đoạn đường có nhiều cán bộ, đảng viên sinh sống.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được áp dụng, đích thân cán bộ, lãnh đạo phường đến gõ cửa từng nhà dân vận động, giải thích. Nhiều tháng trôi qua, mỗi tháng 3 - 5 cuộc họp với không ít ý kiến "bàn ra", rằng thời buổi "tấc đất tấc vàng", tự nhiên hiến đất; chưa kể còn đập bỏ tường rào, cổng ngõ rồi xây lại tốn kém.
Để giải quyết bài toán hỗ trợ, phường tìm nguồn kinh phí xây tường rào lại cho người nào hiến đất. Vậy là "nghị quyết mở đường" từng bước được thực hiện.
Ông Phạm Văn Sơn, đảng viên về hưu, khi được vận động đã hiến 25 m2 đất mặt tiền; đập bỏ tường rào, cổng ngõ để lùi vào 1,5 m. Từ hộ ông Sơn tiên phong hiến đất, các hộ là đảng viên và người dân lần lượt hưởng ứng.
"Tôi sống ở Ba Đồn đã lâu nên hiểu rõ những con đường nhỏ gây bất tiện thế nào. Ai bệnh thì xe cứu thương không vào được, phải cáng ra đường lớn. Ai mất thì xe đưa tang cũng "bó tay" vì đường sá chật chội" - ông Sơn nhớ lại.
Đoạn đường nào có đủ người dân đồng thuận giao mặt bằng, phường Ba Đồn cho thi công ngay. Thấy đường mở rộng, thông thoáng, một số hộ trước đây "bàn ra" liền tự nguyện hiến đất. Thậm chí, 3 hộ đã tự nguyện di dời nhà 2-3 tầng, chấp nhận đến nơi ở mới.
Không chỉ ở khu phố 4, phong trào hiến đất mở đường còn phát động toàn phường Ba Đồn. Hàng trăm hộ đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất, chưa kể cây cối, nhà cửa... Nhờ đó, Ba Đồn đã "xóa" nhiều hẻm và dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn tất việc mở rộng hàng chục tuyến đường, góp phần chỉnh trang đô thị, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Truyền thanh bản xa
Những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nhiều mô hình đã lan tỏa trong cộng đồng và phát huy hiệu quả thiết thực. Trong đó, mô hình "Truyền thanh bản xa" đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Dân Hóa là xã biên giới ở huyện Minh Hóa, diện tích đến 17.000 ha nhưng chỉ có 1.000 hộ dân - chủ yếu là người dân tộc Chứt và Vân Kiều, trải dọc ở 11 bản. Do các bản nằm cách nhau và xa trung tâm huyện nên việc tuyên truyền chủ trương, chính sách và những mục tiêu của địa phương đến với người dân rất hạn chế.
Theo ông Hồ Xuân Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, có những chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng người dân chưa biết hoặc biết không đầy đủ để thụ hưởng. Các đối tượng xấu đã lợi dụng việc này để lan truyền thông tin thất thiệt, khiến nhiều người hoài nghi, hoang mang.
Trước tình hình này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai "Truyền thanh bản xa" tại các thôn, bản ở khu vực biên giới. Trong đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tiên phong xây dựng hệ thống loa truyền thanh ở 11 bản tại xã Dân Hóa.
Trong nhiều tháng, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã phối hợp với đoàn viên, thanh niên khảo sát những vị trí lắp đặt loa, đường dây tín hiệu rồi vận chuyển vật tư, trang thiết bị... Khi hoàn thành, hệ thống "Truyền thanh bản xa" đã phủ sóng toàn bộ bản làng người Chứt và Vân Kiều.
Ông Hồ Văn Ba nhớ lại: "Khi chưa có "Truyền thanh bản xa", việc thông tin, tuyên truyền gặp vô vàn khó khăn. Vào mùa mưa lũ, lúc đường sá sạt lở hay có sự cố, chúng tôi và bộ đội biên phòng phải đến từng nhà để tuyên truyền, tốn rất nhiều thời gian và nguy hiểm. Bây giờ thì chỉ cần phát thanh trực tiếp đến người dân, thông tin được bà con nắm bắt nhanh chóng".
Thiếu tá Bùi Văn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cha Lo, cho rằng nhờ mô hình này mà người dân được cập nhật nhanh chóng chính sách, pháp luật và những kiến thức về y tế, giáo dục, nông nghiệp... Người dân bản xa được động viên, khuyến khích xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị gắn với bảo vệ biên giới.
Để hoàn thành hệ thống "Truyền thanh bản xa" với kinh phí trên 305 triệu đồng tại xã Dân Hóa, Đồn Biên phòng Cha Lo đã huy động hơn 200 ngày công của bộ đội và người dân.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, mô hình "Truyền thanh bản xa" được thực hiện từ nguồn hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm và con em Quảng Bình ở TP HCM với số tiền 750 triệu đồng. Đến nay, 50 hệ thống "Truyền thanh bản xa" đã được thực hiện tại 108 bản ở 9 xã biên giới.
Nhiều mô hình ý nghĩa, thiết thực
Từ năm 2023 đến nay, tổng kinh phí thực hiện các mô hình "Dân vận khéo" của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình khoảng 20 tỉ đồng.
Trong đó, điển hình là chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản" với tổng kinh phí hỗ trợ người dân các bản khoảng 14,7 tỉ đồng; mô hình "Tiếng máy vùng biên" hỗ trợ 31 máy nông nghiệp trị giá gần 300 triệu đồng... Nhiều mô hình sáng tạo, ý nghĩa khác cũng đã được thực hiện như: Nhà vệ sinh vì cộng đồng, Giếng nước vùng biên, Tủ thuốc biên phòng…
Bình luận (0)