Quyết định này được đưa ra 6 tháng sau khi tòa án này trước đó ra lệnh cho MFP hủy bỏ kế hoạch cải cách luật khi quân bị cho là vi hiến và "có nguy cơ phá hoại hệ thống quản trị của Thái Lan". Khi đó, MFP đã phản đối quyết định này.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù kịch bản giải tán MFP có thể khiến hàng triệu cử tri trẻ và thành thị ủng hộ MFP và chương trình nghị sự tiến bộ của đảng này tức giận nhưng tác động của phán quyết dự kiến sẽ bị hạn chế khi chỉ có 11 thành viên cựu lãnh đạo và ban lãnh đạo đương nhiệm của đảng này bị cấm tham gia chính trường trong 10 năm.
Điều này đồng nghĩa với việc 143 nhà lập pháp của đảng này sẽ tiếp tục giữ vị trí của mình tại Quốc hội Thái Lan và dự kiến tái tổ chức thành một đảng mới. Điều này tương tự như cách họ từng làm vào năm 2020, thời điểm đảng tiền thân của MFP bị giải tán vì vi phạm tài trợ cho chiến dịch tranh cử.
Trong tuần tới, Tòa án Hiến pháp cũng sẽ ra quyết định về vụ kiện do 40 cựu thượng nghị sĩ bảo thủ đệ trình nhằm bãi nhiệm Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin vì đã bổ nhiệm một luật sư từng ngồi tù vào nội các.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thavisin phủ nhận bản thân đã có hành vi sai trái và khẳng định việc bổ nhiệm được thực hiện công bằng. Vụ án liên quan Thủ tướng Srettha là một trong những yếu tố làm gia tăng sự bất ổn chính trị và làm xáo trộn thị trường tài chính Thái Lan, có nguy cơ dẫn đến biến động chính trị nếu ông bị cách chức.
Một thủ tướng mới sẽ cần được quốc hội bỏ phiếu, có khả năng dẫn đến sự xáo trộn trong liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai dẫn đầu cũng như thay đổi lại nội các và chính sách.
Bình luận (0)