Từ khi UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi hơn 170 ha rừng thông để làm dự án sân golf, nhiều chuyên gia, cơ quan báo chí, trong đó có Người Lao Động, liên tục cảnh báo việc này sẽ làm mất đi cánh rừng thông đẹp, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của địa phương.
Thiếu cầu thị, dứt khoát làm
Thủ tướng Chính phủ sau đó yêu cầu các cơ quan chuyên môn nghiên cứu thật kỹ vì khi chuyển đổi để làm dự án thì hàng trăm hecta rừng thông quý giá và thảm thực vật tại đây, đặc biệt là đồi cỏ hồng nổi tiếng, sẽ biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) được giao nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Rừng thông sau khi giao cho Tập đoàn FLC không còn dấu hiệu của sự sống
Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT, mất rừng làm biến đổi khí hậu, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về người và của. Tổng cục Lâm nghiệp nhìn nhận dự án sân golf Đăk Đoa khi xây dựng sẽ phải chuyển mục đích sử dụng hàng trăm hecta đất rừng, làm mất vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, thay đổi đặc tính cùng tính bền vững của tự nhiên.
Từ đó, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng. Cần có những phân tích, đánh giá sâu hơn về tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế này đến môi trường và xã hội.
Nhiều ý kiến tâm huyết khác cũng chỉ ra những hệ lụy khôn lường khi thực hiện dự án. Thế nhưng, tất cả dường như bị bỏ ngoài tai. Năm 2018, Tập đoàn FLC được lựa chọn là nhà đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa 36 lỗ trên diện tích trên 197 ha (trong đó có 178 ha rừng thông). Đến tháng 8-2019, ông Võ Ngọc Thành, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phê duyệt dự án này.
Không trung thực trong báo cáo Thủ tướng
Theo tài liệu mà Báo Người Lao Động nắm được, để dự án sân golf Đăk Đoa được phê duyệt, tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp của dự án.
Tỉnh Gia Lai khẳng định mục tiêu dự án là tạo một quần thể du lịch, giải trí cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; là một trong những trung tâm du lịch vùng Bắc Tây Nguyên đồng thời tăng khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch cho người dân địa phương, du khách trong nước và nước ngoài.
Về sự phù hợp của dự án sân golf với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất, tỉnh Gia Lai cho rằng dự án này thuộc danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt trong quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp tại huyện Đăk Đoa từ năm 2011. Nhiều căn cứ nữa được tỉnh này dẫn ra, như đã phê duyệt điều chỉnh quy mô, cơ cấu sử dụng đất khu phức hợp tại huyện Đăk Đoa vào năm 2017; UBND huyện Đăk Đoa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf thuộc khu phức hợp tại huyện Đăk Đoa tỉ lệ 1/500 vào năm 2018.
Dự án sân golf Đăk Đoa, theo UBND tỉnh Gia Lai, cũng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương. Ngoài ra, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 23-8-2019...
Hàng rào ngăn người ngoài vào khu vực dự án
Tỉnh Gia Lai xác định đây là dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Đăk Đoa cũng như cả tỉnh. Dự án tạo ra khu du lịch đặc thù, đáp ứng nhu cầu về rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho khách du lịch và nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, dự án còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhiều ngành nghề; thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm cho hơn 600 lao động, tạo đột phá trong kêu gọi đầu tư, mở rộng nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông cũng như góp phần tăng thu ngân sách.
Tỉnh Gia Lai cho biết trong dự án, 178 ha đất có rừng thông. Song, căn cứ bản đồ quy hoạch 3 loại rừng kèm theo Nghị quyết 100/NQHĐND năm 2017 của HĐND tỉnh Gia Lai, toàn bộ diện tích đất rừng trồng thông nằm trong phạm vi quy hoạch sân golf Đăk Đoa không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng khẳng định đã thống nhất phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng rừng thay thế...
Đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai bị kết luận "báo cáo không trung thực" với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đăk Đoa…
Nhận đất để... thế chấp ngân hàng
Năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký 3 quyết định về bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp Đăk Đoa (trên 3 khu A, B và C) cho Tập đoàn FLC.
Sau đó, FLC nộp hơn 422 tỉ đồng và được Sở Tài nguyên - Môi trường Gia Lai cấp 1.480 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các khu trên. Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, FLC mang một phần giấy này thế chấp ngân hàng nhưng chưa triển khai các hạng mục cần thiết. Hiện nay, dự án này đã bị tạm dừng.
Giá đất "nhảy múa"
Ngay từ khi Gia Lai có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất phê duyệt dự án sân golf Đăk Đoa, nhiều nhà đầu tư đã kéo về xã Gla và xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa để thu gom đất của người dân rồi thổi giá, bán lại kiếm lời. Các vị trí đất đối diện sân golf và vùng lân cận luôn được săn lùng ráo riết. Mỗi ngày, hàng chục người đã đến tìm mua đất khiến giá đất tại khu vực này tăng chóng mặt, "nhảy múa" từng giờ.
Tình trạng sốt đất từng xảy ra ở quanh dự án này
Một người chuyên môi giới bất động sản tại khu vực này cho biết trước khi có thông tin về dự án sân golf, giá đất ở đây chỉ chừng 40 triệu đồng/m ngang. Tuy nhiên, sau khi có dự án thì giá đất bắt đầu bị đẩy lên 100 triệu đồng/m ngang, rồi đến 450 triệu đồng/m ngang, tùy vị trí. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn xây dựng, đặt trụ sở ngay trước dự án sân golf này để tiện cho việc mua bán, giao dịch.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-9
Bình luận (0)