Cả ngàn cây thông bonsai trên 45 năm tuổi tuyệt đẹp đã chết vì quyết định của lãnh đạo tỉnh Gia Lai giao rừng cho Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) làm sân golf.
Chúng tôi trở lại huyện Đăk Đoa sau thời điểm nhiều lãnh đạo sở, ngành và UBND tỉnh Gia Lai bị kỷ luật liên quan đến dự án sân golf Đăk Đoa. Vẫn biết sẽ chẳng còn tìm lại đồi cỏ hồng với rừng thông bonsai cổ thụ như bảo vệ, che chắn cho dân làng Ba Na nhưng tim vẫn thắt lại trước cảnh tượng hoang tàn.
"Nghĩa địa" thông
Cánh rừng thông bonsai gần 180 ha giờ đây bị chủ đầu tư là Tập đoàn FLC quây lại bằng hàng rào dây kẽm cao hơn 2 m. Khu vực cổng vào dự án sân golf của tập đoàn này được chặn bằng barie, nhân viên bảo vệ luôn sẵn sàng ngăn những bước chân người lạ tiến vào.
Nhìn qua lớp kẽm gai, những con đường nham nhở xẻ dọc ngang trên các quả đồi khiến bất cứ ai cũng có thể quặn lòng. Để làm những con đường này, hàng ngàn cây thông đã bị bứng gốc đưa đi trồng tại nhiều vị trí của dự án. Ở những nơi trồng mới, hầu hết chúng đều chết khô hoặc héo hon với những khối lá đỏ rũ xuống, thi thoảng rung lên trong gió.
Rừng thông bonsai tuyệt đẹp đã thành “nghĩa địa thông”
Để có cái nhìn toàn cảnh, chúng tôi cho Flycam bay cao và cảnh tượng ghi nhận càng thê lương. Hàng ngàn cây thông được di thực, trồng lại thì giờ lá đã rụng gần hết, trơ lại những cành khô gầy guộc. Cảm giác như sự sống đã tắt với loài thực vật từng ngạo nghễ trong nắng gió Tây Nguyên này.
Ngay tại hàng rào, già làng Mun của làng Hlâm (thị trấn Đăk Đoa) đứng tần ngần dõi ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Làng Hlâm là ngôi làng của người dân tộc Ba Na giờ nằm lọt thỏm giữa dự án sân golf Đăk Đoa. Già làng Mun nay đã ngoài 80 tuổi, là một trong những người tham gia trồng cánh rừng thông này hơn 45 năm trước.
Bên kia hàng rào là dự án gây nhiều bất bình
Già Mun kể từ sau ngày giải phóng, hầu hết người làng Hlâm chung tay trồng cánh rừng thông này để giữ đất cho làng và để con cháu có bắt chồng, bắt vợ thì ra dựng nhà để ở. Trong nhiều tháng, cả làng liên tục xắn tay trồng và chăm sóc thông. "Sau đó thì thường xuyên kiểm tra, chỗ nào cây chết thì nhổ đi trồng cây khác thay thế nên rừng thông mới đều, đẹp. Vậy mà giờ đây họ bứng đi, để rồi thông chết khô… Đau xót lắm con ạ" - già Mun nghẹn giọng.
Tan nát đồi cỏ hồng
Bên dưới các tán thông trước đây là thảm cỏ xanh mướt, tới cuối tháng 9 hằng năm, cỏ theo sự dịch chuyển của thời tiết đổi sang màu hồng rất đẹp. Đây là dịp để du khách khắp nơi về thưởng lãm, những đôi trai gái yêu nhau ghi lại kỷ niệm trong ngày trọng đại của mình.
Trước khi tỉnh Gia Lai giao cho Tập đoàn FLC làm dự án sân golf thì chính quyền huyện Đăk Đoa chọn khu vực này làm địa điểm tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản huyện Đăk Đoa - mà người dân thường gọi là lễ hội "Đồi cỏ hồng". Sự kiện từng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Những cây thông bị di thực hoặc chết hoặc đang héo rũ
Thế nhưng những thảm cỏ đang bị cày xới nham nhở, giờ đây mọc lên trên đó những căn nhà tôn, nhà container và là nơi tập trung xác thông chết.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, tổng diện tích thực hiện dự án sân golf Đăk Đoa là trên 197 ha, trong đó diện tích rừng thông trồng 178 ha. Đối với 178 ha rừng thông trồng, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Tập đoàn FLC khi thực hiện dự án chỉ được khai thác theo thiết kế chi tiết sân golf được phê duyệt. Phần diện tích còn lại phải giữ để tạo cảnh quan, sinh thái.
Khi bán đấu giá tài sản, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu nhà đầu tư không khai thác thông, chỉ chặt hạ đối với những cây chết và di thực trong diện tích của dự án theo yêu cầu xây dựng sân golf; phần diện tích còn lại phải giữ để tạo cảnh quan.
Tháng 4-2021, Tập đoàn FLC khởi công dự án. Đơn vị này cam kết sẽ sử dụng phương tiện hiện đại, bảo đảm cây thông sau khi di thực có tỉ lệ sống cao… Thế nhưng, tất cả đều là "bảo vệ trên giấy".
Thông chết được cưa và đưa về xếp thành đống lớn
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa, tính đến ngày 14-2-2022, Tập đoàn FLC đã di thực trên 2.500 cây thông và đã bó gốc (bó bầu) chưa di thực hơn 2.100 cây. Hai tháng sau khi di thực, hàng ngàn cây thông lá chuyển từ màu xanh sang màu đỏ, không có dấu hiệu phục hồi. Đến nay, số thông này chết gần hết.
Trước thực trạng trên, ngày 23-7, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã yêu cầu chấm dứt việc di thực cũng như tăng cường các biện pháp kỹ thuật cần thiết để chăm sóc các cây thông đã di thực. Đối với những cây đã bó bầu, chưa di thực thì tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu để phục hồi sinh trưởng.
Đến nay việc di thực tạm dừng nhưng hậu quả thì vẫn tiếp diễn...
Tiếc nuối...
Ông Nim, có nhà bên cạnh dự án sân golf, cho biết đồi cỏ hồng là nơi hẹn hò của bao đôi trai gái dân làng của ông. "Tôi và vợ tôi cũng có bao nhiêu kỷ niệm trên đồi cỏ này. Nó xanh mướt rồi chuyển sang hồng như thế nào chúng tôi đều nắm rõ từng thời điểm. Vậy mà giờ đây tan hoang hết. Họ cày xới cả ngày đêm rồi rút đi để lại cảnh hoang tàn như thế đấy" - ông Nim nói. Ông cũng cho biết từng có thời gian rất nhiều công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, nhiều hôm máy móc ầm ầm tới hơn 24 giờ khiến dân làng không ngủ được. Vài tháng nay do dự án dừng nên họ rời đi để lại đồi cỏ xơ xác, nham nhở.
Đồi cỏ hồng từng diễn ra nhiều sự kiện ý nghĩa, nay đang lùi vào ký ức
Còn chị Xanh, sống ngoài hàng rào của dự án, nói đồi cỏ hồng từng là nơi dân làng chăn thả bò. Giờ không còn nơi để bò ăn, nhiều hộ dân đành bán đàn gia súc của mình.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)