Từ phản ánh của người dân, trong tháng 10 và 11-2022, phóng viên Báo Người Lao Động đã vào cuộc điều tra tình trạng khai thác cát bát nháo trên các con sông Krông Pắk, Krông Ana, Krông Nô (tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông). Ghi nhận cho thấy dưới sông, nhiều con tàu không số hiệu, không đăng ký, đăng kiểm ồ ạt hút cát gây sạt lở nghiêm trọng. Trên bờ, doanh nghiệp tự tung, tự tác không cân lượng cát khi bán, gây thất thu thuế.
Ruộng rẫy của người dân gần bãi tập kết cát của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết sạt lở nghiêm trọng
Mất ăn, mất ngủ canh tàu
Sông Krông Pắk đoạn qua xã Ea Pal và Ea Ô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) bị sạt lở lớn, nhiều đoạn phình ra cả trăm mét. Đất trên bờ sụp xuống từng ngày trong sự bất lực của người dân bởi nạn khai thác cát cả có phép lẫn không phép.
Chỉ tay về những hàng cây chết khô nằm giữa lòng sông Krông Pắk, bà Phan Thị Từ (thôn 4, xã Ea Pal) cho biết trước đây, đất gia đình bà ra tận đó nhưng giờ đã sụt xuống nước. "Gia đình tôi có hơn 3 sào đất nằm gần bãi tập kết cát của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết, hiện đã bị sạt lở gần 1 sào và chưa có dấu hiệu dừng lại" - bà Từ bức xúc.
Tương tự, ông Trần Hữu Phong (thôn 8, xã Ea Pal), có 5 sào đất trong cánh đồng khu Đ, nằm sát sông Krông Pắk. Thời gian gần đây, nhiều tàu khai thác cát đã gí vòi hút sát bờ khiến đất bị cuốn xuống sông. Mấy tháng liền ông mất ăn, mất ngủ canh các tàu khai thác cát vì hễ vắng mặt là những phương tiện này "hành sự".
Tình trạng sạt lở trên tại sông Krông Ana (đoạn từ xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông đến xã Buôn Triết, huyện Lắk), sông Krông Nô (chảy qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông) cũng rất nghiêm trọng khi nhiều diện tích cây cà phê, điều, bắp bị cuốn trôi.
Ông Lò Kim Sơn (ngụ buôn Krái, xã Nam Ka, huyện Lắk), bức xúc cho biết đến nay, đất của gia đình bị sạt đoạn dài khoảng 120 m, rộng từ 15 đến 20 m, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, bà Diệp Thị Liên (ngụ cùng buôn) phản ánh gần khu vực nhà bà đang ở ngày nào cũng có 2 tàu cát hút sát nhà liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ. Gia đình bà nhiều lần ra ngăn cản nhưng đều bị nhân viên của tàu hút cát dọa nạt và hút ngày càng mạnh hơn.
Sự bất lực và bực bội của người dân cao đến nỗi khi nghe tiếng tàu của chúng tôi đi qua, liền nghĩ là tàu hút cát nên đã cầm sẵn cây trên tay ra xua đuổi.
Liên hệ làm việc với một lãnh đạo UBND xã Nam Ka, chúng tôi nhận rõ được sự bức xúc của chính quyền khi người này nói: "Đã làm việc với nhiều cơ quan rồi nhưng có giải quyết được đâu". Theo đó, UBND xã Nam Ka từng kiến nghị với các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Công Thương, Xây dựng... xin hỗ trợ về lực lượng, phương tiện nhằm xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại nhưng đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Một chiếc xe đầu kéo chở cát từ bãi tập kết của Công ty TNHH Hưng Vũ không qua trạm cân
Một tàu không số hiệu hút cát lên bãi tập kết của Công ty TNHH VLXD Sông Núi
Một người dân cầm gậy đứng canh trên bờ để xua đuổi các tàu hút cát
Thả nổi quản lý doanh nghiệp
Không chỉ làm biến dạng các con sông, sạt lở đất sản xuất, nhà cửa của người dân mà việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng có dấu hiệu gây thất thu thuế rất lớn.
Sau nhiều ngày điều tra, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận nhiều công ty khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã không cân sản lượng khi xuất bán cát. Trong khi đó, không thấy bất kỳ cơ quan chức năng nào trực tiếp giám sát hoạt động này mà chỉ "dựa vào sự trung thực của các doanh nghiệp". Theo tính toán, một m3 cát xuất bán phải đóng tổng các loại phí, thuế cho nhà nước hơn 50.000 đồng, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, việc doanh nghiệp thiếu tự giác kê khai đóng thuế cũng dễ hiểu.
Nói về trách nhiệm giám sát xe chở cát qua trạm cân, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao định kỳ hằng tháng cho các doanh nghiệp phải báo cáo, cung cấp dữ liệu, số liệu cho cơ quan thuế. Ông Trần Văn Sỹ cũng nói thêm việc quản lý khai thác cát trách nhiệm đầu tiên của UBND xã, của UBND huyện rồi các cơ quan chức năng.
Còn theo đại tá Nguyễn Văn Quy, Trưởng Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Đắk Lắk, việc kiểm tra, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác nhằm chống thất thu thuế đã được pháp luật quy định. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát đối với các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản. Nếu tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản chưa hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát thì Sở TN-MT có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên đối với các công ty khai thác cát. Điển hình, ngày 18-12-2021, kiểm tra tại Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, từ đây phát hiện một số vi phạm và xử phạt 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Quy cũng thừa nhận cơ quan chức năng không thể thường xuyên cử cán bộ đến tất cả bến tập kết, kinh doanh cát để theo dõi nên xảy ra sai phạm là không thể tránh khỏi. "Thời gian tới, lực lượng công an sẽ lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra. Nếu phát hiện đơn vị nào chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân, camera, đăng ký bến bãi theo quy định sẽ tham mưu UBND tỉnh đình chỉ hoạt động và đề xuất xử lý vi phạm" - đại tá Quy nhấn mạnh.
Tạm dừng khai thác vị trí sạt lở
Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát của Công ty TNHH Khai thác cát Đoàn Kết.
"Chúng tôi sẽ đề nghị Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh cấm khai thác ở khu vực sạt lở. Trước mắt sẽ thông báo đến công ty tạm dừng khai thác ở các vị trí sạt lở" - ông Chiến nhấn mạnh.
Không loại trừ khả năng "chuyện này, chuyện kia"
Trước những phản ánh của phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, đã họp, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát. "Lù lù như thế mà sao không quản lý được… chắc là có chuyện này, chuyện kia thôi. Thực tế khi đi xuống kiểm tra là có" - ông Hà nói tại cuộc họp.
Đối với việc tàu thuyền hút cát hết kiểm định an toàn kỹ thuật, ông Hà yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử lý. "Không thể buông lỏng quản lý như thế được, lỡ xảy ra tình huống mất người thì sao" - ông Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)