Phòng khám Đa khoa Hồng Cường tọa lạc số 87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP HCM, là địa chỉ "quen mặt" với thanh tra Sở Y tế TP HCM bởi nơi đây từng tồn tại nhiều phòng khám có tên gọi khác nhau nhưng có đặc điểm chung là thường xuyên vi phạm các quy định về khám chữa bệnh.
Tạo không khí... khẩn cấp, nguy kịch
Nêu triệu chứng bị ra nhiều khí hư và kinh nguyệt không đều, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ Phòng khám Đa khoa Hồng Cường để hỏi về việc khám phụ khoa. Cam kết chi phí trọn gói là 200.000 đồng bao gồm cả khám và xét nghiệm, nhân viên tư vấn niềm nở đặt lịch hẹn cho chúng tôi.
Theo lịch, tôi cùng đồng nghiệp có mặt tại phòng khám. Trong khi tôi đi khám thì đồng nghiệp chỉ được phép ngồi lại khu vực quầy lễ tân, không được đi theo lên các tầng lầu.
Hai Phòng khám Đa khoa Hồng Cường và Hà Đô từng bị xử phạt vì vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh
Lễ tân dẫn phóng viên trong vai người bệnh lên tầng 2, vào phòng khám gặp bác sĩ. Qua vài câu ghi nhận bệnh sử qua loa, bác sĩ lấy dịch âm đạo và chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm.
Phóng viên được dẫn xuống nhà thuốc ở tầng trệt để đóng tiền với chi phí 680.000 đồng. Khi phóng viên thắc mắc vì sao không phải trọn gói 200.000 đồng như đã được tư vấn, bác sĩ này cho biết giá đó chỉ được khám ban đầu và xét nghiệm dịch âm đạo, không thể ra bệnh.
Kết quả siêu âm ở Bệnh viện Hùng Vương cho thấy chưa phát hiện bất thường
Kết quả siêu âm của Phòng khám Đa khoa Hà Đô cho thấy phóng viên có nang Naboth cổ tử cung và dịch ở túi cùng
Kết quả xét nghiệm của Phòng khám Đa khoa Hồng Cường co thấy phóng viên bị nhiễm nấm
Sau nửa tiếng, phóng viên được gọi lại vào phòng khám ban đầu. Lúc này, người đọc kết luận, chẩn đoán bệnh là một bác sĩ khác. Ngoại trừ nhân viên lấy máu xét nghiệm và lễ tân, tất cả các nhân viên phòng khám còn lại đều không mang bảng tên.
Trong cả 2 lần vào phòng khám, phóng viên đều được yêu cầu ngồi sát góc tường, cách xa bàn làm việc tầm 1 m, không được cầm theo điện thoại hay đồ đạc gì. Khi phóng viên xin phép được ngồi gần để xem kết quả vì bị cận thị, người này lập tức từ chối.
Sau khi đọc kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận phóng viên bị viêm nhiễm âm đạo cấp độ nặng, có dịch ở túi cùng, phải điều trị ngay nếu không sẽ bị tràn dịch gây tắc ống dẫn trứng. Phương pháp điều trị là phải dùng thuốc súc rửa sạch, kết hợp nằm máy chiếu chuyên dụng để tiêu diệt hết cầu khuẩn, trực khuẩn; có thuốc uống, thuốc đặt về nhà. Kinh phí điều trị cho liệu trình khoảng 15 phút này dao động từ 4-5 triệu đồng, cam kết không đau.
Lấy cớ không đủ tiền và sợ đau, phóng viên xin lại kết quả khám, hẹn trở lại vào dịp khác. Lúc này, một người khác mặc áo blouse bước ra từ góc khuất trong phòng, lớn tiếng trách móc: "Là phụ nữ mà không biết chăm sóc bản thân. Tiếc 4-5 triệu đồng bây giờ để về sau hậu quả có thể hơn trăm triệu mà không bệnh viện nào dám nhận điều trị. Đã nói không đau, sợ cái gì?"...
Bác sĩ ở đây cố gắng thúc đẩy phóng viên điều trị ngay lập tức bằng cách tạo ra một không khí khẩn cấp và nguy kịch. Giới thiệu phòng khám có thanh toán bằng chuyển khoản và tiền mặt, khi người bệnh trả lời không đủ tiền, họ gợi ý người bệnh vay mượn tiền của người nhà để chi trả.
Khi phóng viên kiên quyết từ chối và xin về để lấy ý kiến gia đình thì bác sĩ đồng ý nhưng không trả kết quả khám mà hẹn phóng viên đến lấy sau.
Xử lý ngay, nếu không có thể sẽ... ung thư
Rời Phòng khám Đa khoa Hồng Cường, chúng tôi tiếp tục đến Phòng khám Đa khoa Hà Đô (35B-35C đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM). Đây là phòng khám lớn trên mặt tiền đường 3 Tháng 2 với khá đông người bệnh đến thăm khám. Trước phòng khám là 3 camera cỡ lớn và nhóm bảo vệ túc trực.
Làm hồ sơ đăng ký khám, 2 phóng viên được dẫn lên lầu 2 gặp bác sĩ. Cũng như quy trình ở Hồng Cường, bác sĩ cũng lấy dịch âm đạo, dẫn người bệnh xuống quầy thu phí nộp tiền, sau đó đưa đi siêu âm, lấy máu và nước tiểu. Chi phí xét nghiệm, siêu âm tại đây là 1.680.000 đồng.
Sau một thời gian chờ đợi, chúng tôi được dẫn trở lại phòng khám có nữ bác sĩ ban đầu. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm máu và siêu âm của phóng viên, bác sĩ này kết luận người bệnh bị huyết trắng nhiều là do viêm nhiễm nặng, lan dịch vào túi cùng, cổ tử cung viêm lộ tuyến cấp độ 3 và có nang naboth kích thước 5 mm.
Bác sĩ kết luận tình trạng viêm nhiễm huyết trắng phải dùng kháng sinh, kháng viêm. Phương án điều trị huyết trắng là truyền dịch, thuốc uống, thuốc rửa và thuốc đặt. Lộ trình chữa trị trước mắt là 1 tuần, sau đó tái khám và tiếp tục điều trị 2-3 tuần, tối đa là 4 tuần, tùy cơ địa. Chi phí cho mỗi tuần điều trị là 1-2 triệu đồng.
Sau đó, bác sĩ này nhấn mạnh phóng viên bị viêm cổ tử cung cấp độ 3 (cấp độ cao nhất), dịch nhiều, có nang, phải xử lý ngay, nếu không có thể gây biến chứng ung thư cổ tử cung hoặc sẽ ảnh hưởng tới việc sinh sản như khó mang thai, động thai, dễ sẩy thai.
Người bệnh phải sử dụng máy soi để chữa viêm cổ tử cung. Máy này chỉ cần quét 1 lần sẽ điều trị hết dịch viêm, xử lý nang naboth, phục hồi cổ tử cung. "Chi phí thấp nhất là 20-30 triệu đồng. Máy chỉ dùng 1 lần, sau đó tái khám mỗi tuần để kiểm tra độ hồi phục của vết thương" - bác sĩ nói.
Khi thấy phóng viên khá ngần ngại do khoản tiền lớn, bác sĩ trấn an là có thể đóng theo từng lần điều trị chứ không nhất thiết đóng 1 lần. "Cứ truyền dịch, đặt thuốc điều trị huyết trắng trước" - người này nói khi thấy tôi chưa quyết định, đồng thời nhấn mạnh "chỉ cần để thêm 1 ngày thì kết quả càng nặng và khó điều trị".
Sau hơn 30 phút tư vấn, cuối cùng, phóng viên lấy lý do cần về chuẩn bị tiền và xin ý kiến người thân, người này mới xưng danh là bác sĩ Lạt và cho số điện thoại, dặn dò nếu người nhà có gì thắc mắc hãy gọi điện để được tư vấn chi tiết.
Bệnh viện Hùng Vương: Chỉ viêm nhiễm nhẹ
Trước khi thâm nhập 2 phòng khám trên, phóng viên đã có bước kiểm tra sức khỏe làm căn cứ đối chiếu tại Bệnh viện Hùng Vương. Theo đó, kết quả khám kết luận chỉ bị viêm nhiễm nhẹ do tạp trùng, được kê thuốc rửa và thuốc đặt trong 10 ngày với tổng chi phí khám, xét nghiệm, siêu âm và mua thuốc chưa đến 1 triệu đồng.
Theo BS chuyên khoa II Võ Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Khoa Khám Phụ khoa Bệnh viện Hùng Vương, tiết dịch âm đạo là một cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể để làm sạch âm đạo và ngăn ngừa nhiễm những vi sinh vật gây bệnh. Tiết dịch âm đạo bất thường là một trong những biểu hiện của sự nhiễm khuẩn âm đạo. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý khá phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi dịch nhiều, có thể lan đến túi cùng. Dịch túi cùng có thể gặp giai đoạn giữa chu kỳ do rụng trứng, khi có kinh do máu kinh chảy vào ổ bụng. Nếu lượng dịch ít và không đau bụng, không trễ kinh, không sốt thì không cần can thiệp.
Cũng theo BS Hạnh, nang naboth cổ tử cung là một biến đổi lành tính ở cổ tử cung, thường nhỏ và ít, có thể tự tiêu mà không cần điều trị.
(Còn tiếp)
Địa chỉ "đen"
Phòng khám Đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, quận 10, TP HCM) đã nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt vì nhiều sai phạm, lần gần nhất là vào tháng 8-2022. Những sai phạm của phòng khám này gồm: Chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám chữa bệnh...
Tại địa chỉ 87-89 Thành Thái trước đây từng là nơi hoạt động của nhiều phòng khám tư nhân. Cụ thể là Phòng khám Đa khoa Elizabeth, năm 2014 bị xử phạt 315 triệu đồng do có các sai phạm trong lĩnh vực y tế. Sau đó là Phòng khám Đa khoa Thành Thái, Phòng khám Đa khoa Khang Thái. Cả 2 phòng khám tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh và bị xử phạt, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn).
Tương tự, Phòng khám Đa khoa Hà Đô (35B-35C đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM) nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt cũng với lý do chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định pháp luật; thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết...
Trước đây, cùng địa chỉ trên từng là nơi hoạt động của Phòng khám Đa khoa Mayo (thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Mayo - một trong những phòng khám có yếu tố người nước ngoài hoạt động, chủ yếu là người Trung Quốc). Phòng khám này bị xử phạt 191 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động thời hạn 4,5 tháng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-11
Bình luận (0)