Vì điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc đánh giá đối với HS.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét. Theo quy định, các môn còn lại ở bậc THCS, THPT sẽ được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.
Xu hướng tuyển sinh ĐH, CĐ, xét học bổng... vốn căn cứ nhiều vào học bạ. Ngoài điểm số, những đánh giá bằng nhận xét, theo các chuyên gia giáo dục, có ý nghĩa rất quan trọng. Song, hình thức đánh giá này liệu có sát với thực tế?
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho rằng ở chương trình mới, việc đánh giá dù bằng điểm số hay nhận xét đều rất khoa học, chính xác; không còn kiểu cảm tính, một chiều, kể cả với môn ngữ văn như trước đây. Theo thầy Bảo, ở mỗi môn học, trước khi giáo viên đánh giá đều có hội đồng chuyên môn thẩm định các nội dung, yêu cầu của môn học đó, bao gồm các yêu cầu cần đạt của HS.
"Ví dụ, một HS đạt mức nào đó thì phải đánh giá thế nào, nhận xét ra sao. Trước khi đánh giá, phải đưa ra thang chấm điểm, ma trận, bảng đặc tả, tiêu chí; từ đó có thể biết chính xác HS đạt yêu cầu nào để nhận xét" - thầy Bảo giải thích.
Theo cô Lê Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TP HCM), hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá có sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ thông tin. Ngoài điểm số, các môn học cần kết hợp đánh giá bằng nhận xét cũng được đính kèm trên hệ thống học bạ số của HS. Học bạ có ý nghĩa rất quan trọng với HS nên giáo viên luôn ý thức cẩn trọng trong từng lời nhận xét.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng đánh giá bằng nhận xét cũng chỉ mang tính hình thức vì đa số vẫn căn cứ vào điểm số là chính. Lý giải điều này, giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh, TP HCM cho rằng thực tế, mỗi thầy cô dạy gần 50 HS/lớp, mỗi tuần 3 tiết thì không thể đủ thời gian để nhận xét chính xác từng em. "Đa số đều qua loa hoặc căn cứ theo điểm số để nhận xét" - giáo viên này thừa nhận.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Thủ Đức nêu thực tế ở bậc THPT, HS đã có xu hướng chọn tổ hợp xét tuyển ĐH. Giáo viên bộ môn biết rõ điều này nên nếu không phải là môn ưu thế của HS thì họ cũng chỉ nhận xét làm sao để không gây thiệt thòi cho các em. "Vì đánh giá theo hướng như vậy nên không thể nào đòi hỏi chính xác tuyệt đối trong nhận xét so với thực tế năng lực ở mỗi HS" - hiệu trưởng này băn khoăn.
Bình luận (0)