Tổng đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt cho biết, ngoài việc khen thưởng động viên các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng" sẽ là điểm nhấn ý nghĩa để vinh danh một di sản đã tồn tại trong lòng công chúng yêu âm nhạc ngũ cung.
Bởi, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam.
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và Văn hóa dân gian.
"Tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ lần 8 về bảo vệ văn hóa di sản phi vật thể, diễn ra tại thành phố Baku, Cộng hòa Azerbaijan, từ ngày 2 đến 8-12 năm 2013 nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình công bố sự kiện quan trọng này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân TP HCM và các địa phương tổ chức vào tháng 12 năm 2013.
Từ đó đến nay, các địa phương vùng Nam Bộ đã luân phiên đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ. Lần thứ nhất tại Bạc Liêu, lần thứ hai tại Bình Dương và lần thứ ba tại thành phố Cần Thơ" - Tổng đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt cho biết.
Ông Kiệt là tổng đạo diễn của chương trình bế mạc Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ nhất và lần thứ hai. Nay nhận nhiệm vụ một chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân kỷ niệm 10 năm Ngày UNESCO chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vùng Nam Bộ của Việt Nam vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại nên ông cũng rất áp lực.
"Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để bản thân tôi và ekip thực hiện chương trình góp phần công sức của mình hun đúc ngọn lửa đam mê, yêu mến nghệ thuật Đờn ca tài tử, một di sản lớn và quí báo của vùng đất phương Nam" - Tổng đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt nói.
Chương trình có 3 chương gồm: Chương 1 "Mối tơ duyên", chương 2 "Hội tụ thăng hoa" và chương 3 "Di sản tỏa sáng".
Chương trình nghệ thuật đặc biệt khắc họa rõ nét quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đặc biệt loại hình nghệ thuật độc đáo này cũng vẫn tồn tại và phát triển sâu, rộng trong môi trường của đời sống đô thị hiện đại tại TP HCM.
Chương trình qui tụ nhiều Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, tài tử đờn, tài tử ca và các ca sĩ, nghệ sĩ: Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, Hà Như, Võ Minh Lâm, nhóm FM, nhóm 135, nhóm Mắt Ngọc và các vũ đoàn Mây Trắng, Mặt Trời, ABC.
Sau 10 năm kể từ ngày 5-12-2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, TPHCM đã có nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kêu gọi sự tham gia ủng hộ hơn nữa của các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể nhân dân thành phố cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
Để tài sản vô giá này của nhân dân được sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ, mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Chương trình thiết kế sân khấu tái hiện không gian thực hành đờn ca tài tử Nam Bộ rất đặc trưng và lối thể hiện biểu diễn tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật phóng phú tổng hòa, vinh danh đờn ca tài tử Nam Bộ một cách ấn tượng.
Đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt hy vọng chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng" sẽ góp phần quan trọng tiếp tục lan tỏa di sản văn hóa dân tộc ra bạn bè thế giới.
Bình luận (0)