Mấy năm qua, Quỹ Giáo dục VN (VEF) đã xét chọn và cấp học bổng toàn phần cho hàng trăm trí thức trẻ VN đến Hoa Kỳ học tập, nghiên cứu ở trình độ sau đại học và sau tiến sĩ. Trong chuyến công tác tại VN, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi ngắn với bà TS Lynne A. McNamara, Giám đốc Điều hành VEF về những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cấp cao này.
Các trí thức trẻ VN tại buổi giao lưu trước ngày lên đường sang Mỹ
Phóng viên: Chúc mừng bà đến VN. Xin bà cho biết những kết quả mà VEF đạt được từ khi hoạt động đến nay?
TS Lynne A. McNamara: VEF hoạt động từ năm 2003 và đã đưa 342 nghiên cứu sinh (NCS) sang học tập tại 76 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Năm học 2010-2011, chúng tôi đã xét chọn và cấp học bổng cho 32 NCS trên nhiều lĩnh vực: y học, sinh học phân tử, công nghệ thông tin, vật lý hạt nhân, môi trường, hóa học… Cùng với các NCS mới này, nhóm học giả thứ 4 (3 người) cũng được lên đường tham dự các chương trình phát triển chuyên môn sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ kéo dài 12 tháng. Tính đến nay, VEF đã tặng học bổng cho 29 học giả, kể từ đợt xét chọn đầu tiên vào năm 2007.
- Xin bà giới thiệu qua chương trình học bổng này và cách xét chọn?
- Mọi thứ, chúng tôi đều công khai trên mạng (www.vef.gov), nhưng nhìn chung, những người được xét chọn là những người đã thể hiện được năng lực trí tuệ và thành tích học tập cao của mình. Họ đã thành công vượt qua quy trình tuyển chọn rất cạnh tranh của VEF với sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ. Các hoạt động trao đổi giáo dục của VEF tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
VEF được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ theo Đạo luật Quỹ Giáo dục VN năm 2000 với mục đích thiết lập các hoạt động trao đổi giáo dục nhằm xây dựng mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và VN, phục vụ lợi ích chung của 2 nước. Hội đồng Quản trị của VEF gồm 13 thành viên, trong đó có 2 thượng nghị sĩ, 2 hạ nghị sĩ, 3 thành viên trong Chính phủ Hoa Kỳ và 6 thành viên khác do Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Hội đồng Quản trị bổ nhiệm Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của VEF. Hằng năm, Quốc hội Hoa Kỳ dành ngân sách 5 triệu USD cho các hoạt động của VEF tới năm 2018.
- Qua mấy đợt xét chọn, bà thấy trí thức trẻ VN có những điểm yếu gì?
- Nếu có cái gọi là điểm yếu, thì đó là khả năng ngoại ngữ, nhất là khi phải trình bày trước hội đồng phỏng vấn. Qua Báo Người Lao Động, tôi có mấy lời nhắn gửi với các bạn trẻ VN muốn trở thành ứng viên của VEF, thì phải cố gắng học tập ngay từ năm đầu bước chân vào đại học, phải chuẩn bị cho mình trình độ chuyên môn, ngoại ngữ thật tốt và phải mạnh dạn, tự tin vào bản thân.
- Tình hình những NCS được VEF xét chọn đào tạo tại Hoa Kỳ đến nay kết quả ra sao và ngoài chương trình học bổng trên, VEF còn có những hợp tác, giúp đỡ gì cho giáo dục VN, thưa bà?
- Đến nay, các NCS do VEF tuyển chọn đều đạt kết quả tốt trong học tập và đã có 45 người nhận bằng thạc sĩ, 48 người nhận bằng tiến sĩ. Trong số này có 52 người đã trở về VN, số còn lại đang tham gia các hoạt động chuyên môn tại Hoa Kỳ, hoặc đang học tiếp chương trình tiến sĩ. Bên cạnh chương trình học bổng dành cho NCS và học giả, VEF còn có chương trình giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại VN bắt đầu từ năm học 2008-2009. Đã có 13 giáo sư Hoa Kỳ được tuyển chọn giảng dạy tại 11 trường đại học ở VN qua hình thức trực tiếp giảng dạy hoặc qua cầu truyền hình. Đến nay đã có 6 giáo sư hoàn thành chương trình giảng dạy của mình. Đầu năm 2010, VEF cũng đã chuyển giao thành công chương trình học liệu mở Việt Nam (VOCW) cho Bộ GD-ĐT VN.
- Bà có thể nói rõ hơn về VOCW?
- Dự án VOCW chính thức khai trương tại VN vào tháng 12-2007 trong khuôn khổ hợp tác giữa VEF với Bộ GD-ĐT VN, Công ty Phần mềm Truyền thông VN (VASC), cùng với sự đóng góp quan trọng của Viện Công nghệ Massachusette (MIT) và Tổ chức Connexion của Trường ĐH Rice (Hoa Kỳ). Dự án này có hai mục tiêu: 1- Xây dựng bộ tư liệu giảng dạy và học tập cập nhật với chất lượng cao bao gồm các giáo trình giảng dạy của các giảng viên và nhà khoa học VN. 2- Đưa ra cách tiếp cận dễ dàng đối với nguồn học liệu mở (OER) từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Dự án này đã được các trường đại học VN tích cực tham gia.
Đây là biểu hiện về mối quan hệ hợp tác giữa VEF và Chính phủ VN. Chúng tôi hy vọng, qua Báo Người Lao Động sẽ có nhiều trí thức trẻ VN đăng ký trực tiếp trên mạng và được VEF xét chọn ngày càng nhiều.
Bình luận (0)