Đó là tình trạng mà nhóm phóng viên Báo Người Lao Động có thể khẳng định trong suốt hơn một tháng thực tế ghi nhận. Rõ ràng, ô nhiễm sông, suối ở vùng Đông Nam Bộ đang là vấn đề cần phải tiếp tục báo động và lên tiếng mạnh mẽ.
Nồng nặc mùi hôi thối
Sông Buông - con sông nội tỉnh lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, dài hơn 50 km bắt nguồn từ TP Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom, Thống Nhất, TP Biên Hòa… rồi hợp lưu với sông Đồng Nai. Từ năm 2019, nước sông Buông đoạn chảy qua ấp Miễu, phường Phước Tân, TP Biên Hòa đục ngầu, giờ như con sông chết.
"Mười năm trước, nước sông sạch và trong, gia đình tôi vẫn thường dùng để giặt quần áo, thậm chí lấy về sử dụng, nhưng giờ thì nó đang chết dần với nước rửa cát của các bến bãi cộng với khai thác mỏ đá" - anh Lê Quang, ngụ ấp Miễu, phường Phước Tân (TP Biên Hòa), bức xúc.
Suối Reo dài khoảng 10 km, chảy qua 5 xã của huyện Thống Nhất (Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, Gia Kiệm, Quang Trung), điểm cuối là hồ Trị An. Theo người dân, hơn 10 năm trước, suối Reo nước trong và nhiều cá. Vậy mà, giờ đây nước chuyển màu đen đặc, mùi phân heo bốc lên nồng nặc.
Ông Nguyễn Thanh Lợi, 51 tuổi, xã Gia Tân 1, buồn bã nói: "Do ở phía thượng nguồn của suối Reo, người dân làm chuồng nuôi heo sát bờ suối nên mỗi khi họ tắm heo, nước chảy thẳng ra con suối và xã tôi nằm cuối nguồn phải hứng chịu toàn bộ ô nhiễm đổ về. Chưa kể nhiều ngày heo chết họ vứt thẳng xuống suối và sau vài ngày heo phân hủy bốc mùi, không ai chịu nổi".
Ngay tại TP Biên Hòa, sông Đồng Nai đang oằn mình gánh nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất đổ ra với dòng nước đen ngòm. Bên cạnh đó là tình trạng nhiễm bẩn nguồn nước bởi hoạt động nuôi cá lồng bè tự phát trên sông. Các chủ bè ngoài sử dụng bột thức ăn công nghiệp còn dùng cả nội tạng động vật, phân heo, phân bò làm thức ăn cho cá khiến môi trường nước và không khí ô nhiễm. Trong đó đáng chú ý phải kể tên làng cá bè Tân Mai (TP Biên Hòa) và làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán).
Làng cá bè Tân Mai có đến 850 bè nuôi cá của gần 400 hộ dân trải dài trên một đoạn sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) đi qua địa bàn các phường Tân Mai, Thống Nhất và Hiệp Hòa. Theo ghi nhận tại tổ 7, khu phố 7, phường Thống Nhất, từ mép bờ sông vào tới nhà dân khoảng 200 m nhưng mùi hôi, tanh bốc lên nồng nặc. Dưới sông màu nước đục ngầu, mặt sông dập dềnh đủ loại rác thải.
Đi dọc bờ sông Cái đoạn qua phường Thống Nhất, ông Toàn (55 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa), cho hay cứ vào mùa nắng và buổi chiều, mùi hôi tanh từ dưới sông bốc lên xộc vào mũi rất khó chịu. Theo ông Toàn, nguyên nhân do thức ăn nuôi cá lồng bè bị dư thừa và chất thải sinh hoạt của người dân thải thẳng xuống sông dẫn tới ô nhiễm.
Ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), những năm qua, người dân phường Tân Hưng và Phước Hưng (TP Bà Rịa) liên tục phát hiện tình trạng bọt trắng xuất hiện ở đoạn cửa ngăn đập Cầu Đỏ trên sông Dinh kéo dài vài cây số kèm theo mùi hôi thối, khó chịu cả vùng rộng lớn.
Ở kênh Rạch Bà, TP Vũng Tàu kéo dài từ các phường 10, 11, 12... những năm qua ô nhiễm ngày càng nặng. Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn qua phường 11 nước đen ngòm, hôi thối kinh khủng. Chưa hết, hằng ngày dòng kênh này còn hứng rác thải, chai nhựa, túi ni-lông và nước thải sinh hoạt của người dân.
Xả nước thải chưa qua xử lý
Tại tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tuyến kênh cầu Rạch Rễ Dưới (ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuyến kênh này chảy thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông, nên rất đáng lo về nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu.
Tại khu vực cầu Rạch Rễ Dưới, ngang Quốc lộ 22B chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, dòng nước bốc mùi hôi thối, xuất hiện nhiều bọt màu trắng, màu nâu. Bà T., một người dân có nhà nằm sát tuyến kênh, tỏ ra ngao ngán vì mùi hôi từ tuyến kênh này khiến người thân của bà liên tục bị đau đầu, buồn nôn. "Cứ tầm 3 giờ sáng đang ngủ ngon, mùi hôi nồng nặc từ dưới tuyến kênh bốc lên khiến gia đình tôi không thể nào ngủ được nữa" - bà T. bức xúc.
Bà T. cho biết hơn chục năm qua tuyến kênh không được nạo vét nên mỗi khi doanh nghiệp xả nước thải kèm theo bọt dâng cao gần cả mét là tràn vào nhà dân và đất trồng lúa gần đó. Do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên cây lúa và hoa màu bị thối rễ, úng thân và chết dần, khiến người dân phải bỏ hoang đất ruộng. Sau nhiều lần người dân phản ánh, mới đây địa phương cho nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.
Theo người dân ở ấp Trường Ân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do những nhà máy chế biến tinh bột mì ở phía đầu tuyến kênh lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, những nhà máy này thường xả thải vào ban đêm nên rất khó phát hiện.
Liên quan đến tuyến kênh cầu Rạch Rễ Dưới bị ô nhiễm, ngày 8-3, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã ban hành quyết định xử phạt đối với Doanh nghiệp tư nhân Diệp Minh Nhứt ở ấp Trường Phú, xã Trường Đông, với các hành vi vi phạm như: Lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 đến dưới 3 lần; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến dưới 3 lần. Tổng số tiền xử phạt là 1,6 tỉ đồng.
Tại tỉnh Bình Dương, tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra sông rất đáng báo động. Đầu năm 2024, Công an thị xã Bến Cát phát hiện công ty N. ở khu phố 5, phường Mỹ Phước xả hàng chục mét khối nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Tính qua hệ thống ống cống lắp đặt phía sau công ty.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trại heo Phú Giáo 02FF tại ấp Đuôi Chuột (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) xả nước thải chăn nuôi trực tiếp xuống Sông Bé với lưu lượng khoảng hơn 51 m3/ngày đêm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện cơ quan chức năng các địa phương đang củng cố hồ sơ xử phạt đối với những trường hợp trên.
Liên tục vi phạm
Thời gian qua, dư luận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc trước tình trạng nước suối Giao Kèo (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) liên tục bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Đây là dòng suối đổ ra sông Dinh và từ đây ra biển. Trong năm 2023, nhiều lần người dân tại xã Châu Pha phát hiện nước suối Giao Kèo (khu vực đập 3 cửa) thuộc ấp Tân Lễ B có hiện tượng sủi bọt trắng, có khi màu vàng, kèm theo mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn khi những ngày trời đổ mưa to.
Anh N.V.Q, ngụ xã Châu Pha, cho biết: "Hơn 10 năm nay, tôm cá không thể sống nổi, nếu người lội xuống suối thì ngứa, viêm da".
Người dân nhiều lần phản ánh, chính quyền địa phương, lực lượng công an mật phục kiểm tra và đầu năm 2023, bắt quả tang, xử phạt Công ty TNHH Kbec Vina (100% vốn Hàn Quốc) xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đây là công ty được giao gần 40 ha đất trong Khu Xử lý rác thải tập trung Tóc Tiên để chôn lấp rác thải sinh hoạt của tỉnh.
Trước đó, công ty này bị lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt quả tang và xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1,3 tỉ đồng và phạt bổ sung do lắp đường ống xả nước thải từ bể chứa nước thải trong bãi chôn rác ra cống thoát nước mưa chung của khu xử lý.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)