Nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6 đến 7-10, hai nước đã ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Bước tiến đột phá
"Điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác lần này là Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá sau hơn 10 năm thiết lập và triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Tại tuyên bố chung, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương trên 5 trụ cột: Làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, tăng cường quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững và tự cường, tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân. Tại hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới.
Hợp tác nhiều lĩnh vực mới
Hai bên đánh giá hợp tác an ninh - quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng; nhất trí triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký; sớm tổ chức Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng; phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo sĩ quan, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn an ninh khu vực và thế giới.
Về kinh tế - thương mại, hai bên đánh giá cao hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong lĩnh vực này; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp (DN) hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA); đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội Pháp thông qua EVIPA.
Tổng thống Pháp đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP và chuyển đổi xanh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng và Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, hàng không vũ trụ, khoa học - công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen…
Ghi nhận những kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng giao thông sân bay.
Dấu mốc quan trọng
Theo ông Đinh Toàn Thắng - Đại sứ Việt Nam tại Pháp, không chỉ góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, các hoạt động thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp là dấu mốc quan trọng, tạo thêm khuôn khổ, động lực và mở ra giai đoạn mới để nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên một tầm cao mới.
"Quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, sự tham gia tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực sẽ tạo động lực mới để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên. Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả Việt Nam và Pháp tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển, an ninh và ổn định" - đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên cũng đã ký gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực mới. Ngoài ra, một số trường đại học và DN cũng ký các thỏa thuận hợp tác như Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp, Thỏa thuận hợp tác với UNESCO về thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Airbus và Vietjet bàn giao máy bay mới mang hình ảnh kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp…
"Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực tiễn" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.
Nhiều dấu ấn lịch sử
Ngày 7-10 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao đã rời thủ đô Paris, lên đường về nước, kết thúc thành công chuyến công tác thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Ở Mông Cổ, Ireland, Pháp, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đã có gần 80 hoạt động trên cả bình diện song phương và đa phương.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ireland, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác văn hóa
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati ký chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024 - 2028, giữa hai bộ, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác văn hóa Việt Nam - Pháp. Chương trình gồm các lĩnh vực về di sản văn hóa, bảo tàng và lưu trữ; công nghiệp văn hóa và sáng tạo; điện ảnh và nghe nhìn; nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật thị giác; thư viện; nghề thủ công và mỹ nghệ.
Sau khi ký kết, các đơn vị chuyên môn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục kết nối với Bộ Văn hóa Pháp để triển khai.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Hy vọng trong tương lai
Pháp là thị trường tiềm năng của rau quả Việt Nam bởi nằm ở cửa ngõ châu Âu, đặc biệt là hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. Châu Âu cũng không yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường phức tạp như nhiều khu vực khác. Các mặt hàng rau quả mà Pháp thường nhập từ Việt Nam là: rau gia vị, ớt, chôm chôm, sầu riêng… Tuy nhiên, Pháp rất nghiêm ngặt trong kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Trong quá trình chờ kiểm tra, các loại rau quả tươi rất dễ bị hư hỏng, khiến việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này còn khó khăn.
Với việc Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, hy vọng trong tương lai, các rào cản về kỹ thuật được tháo gỡ và các DN Việt Nam nâng cấp công nghệ bảo quản sau thu hoạch sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường tiềm năng này. Hiện tại, thị phần của Pháp nói chung và châu Âu trong cơ cấu xuất khẩu còn nhỏ nhưng là minh chứng cho năng lực sản xuất của các DN Việt Nam, bởi đây là thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt (Vietpepper):
Thị trường rất tiềm năng
Pháp là thị trường truyền thống của DN chúng tôi, với các mặt hàng gia vị như: hồ tiêu, quế, hồi, nghệ, gừng… xuất khẩu theo dạng nguyên liệu hoàn chỉnh. Các nhà nhập khẩu có thể dùng để chế biến ngay hoặc đóng gói bán lẻ mà không cần phải qua xử lý nào khác. Đây là thị trường rất tiềm năng, bởi không có nguồn cung nội địa về gia vị và chi phí sản xuất ra thành phẩm tại đây khá cao. Từ ngày 19 đến 23-10, công ty chúng tôi tham gia Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Sial Paris 2024 (Pháp), cùng đoàn của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, với kỳ vọng quảng bá sản phẩm gia vị, gặp gỡ trực tiếp với các nhà sản xuất, các chuỗi bán lẻ và hy vọng sẽ xuất khẩu thêm dòng sản phẩm gia vị mang thương hiệu của công ty. Ngoài ra, việc tham gia hội chợ này cũng giúp chúng tôi nắm bắt xu hướng mới trên thị trường thế giới, để cập nhật và đón đầu xu hướng.
N.Ánh ghi
Bình luận (0)