Mùa thu hoạch dâu tây thường kéo dài từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau. Vì vậy, đây đang là thời điểm gần về cuối vụ.
Khảo sát thị trường tại TP Hà Nội cho thấy những ngày này dâu tây Sơn La "đổ bộ" khắp khu chợ, tuyến phố, cửa hàng bán lẻ và kênh bán hàng online.
Để thu hút khách hàng, người bán đã đưa ra những biển quảng cáo dâu tây Mộc Châu với giá siêu rẻ chỉ 25.000 đồng/hộp 500 gram. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy dâu tây được chia thành các hộp có giá từ 25.000 - 80.000 đồng/hộp với trọng lượng 500 gram.
Anh Minh Tiến, người bán dâu tây tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, cho biết size vip có giá 80.000 đồng/hộp là loại dâu to nhất. Song, loại được nhiều khách hàng chọn mua là mã dâu bé 30.000 đồng hoặc 40.000 đồng/hộp. Có ngày anh bán 2 mã này đạt doanh số 2 tạ.
Ngoài bán trên vỉa hè, anh còn ship hàng online. "Khách hàng chọn mua dâu tây mã nhỏ vì ăn sẽ đậm vị hơn"- anh Tiến cho biết.
Trong khi đó, chị Nguyệt Minh, quận Cầu Giấy, cho biết vừa mua 10 kg dâu tây về làm siro. "Dâu tây đang có giá khá rẻ, giàu dinh dưỡng nên tôi phải mua ngay"- chị nói.
Theo nhà vườn chuyên sỉ, lẻ dâu tây Hoàng Tuyết tại Mộc Châu, Sơn La, loại dâu to được bán sỉ với giá 90.000 đồng/kg, loại nhỏ là 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại dâu bi dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, xã Nà Còi (Mai Sơn, Sơn La) - cho biết từ đầu vụ tới nay, Hợp tác xã đã thu hoạch và xuất bán khoảng 1.000 tấn dâu tây, với mức giá trung bình 30.000 - 100.000 đồng/kg. Trong đó, siêu thị chiếm khoảng 10% thị phần sản lượng tiêu thụ của Hợp tác xã Xuân Quế. Số còn lại được Hợp tác xã phân phối cho các thương lái phân phối tới Hà Nội, TP HCM và các tỉnh thành khác.
Chia sẻ về vụ dâu tây năm nay, ông Nam phấn khởi nói dù sản lượng vụ năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng giá ổn định. Điều này giúp nông dân đạt doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng/ha.
Hiện, Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế có 11 thành viên, với diện tích cho thu hoạch là 60 ha.
Những năm gần đây, nhiều nông dân Sơn La đã triển khai các trang trại dâu tây gắn với du lịch trải nghiệm. Đến trang trại dâu tây, du khách sẽ được thoải mái xách giỏ ra vườn chọn dâu và hái quả ưng ý. Những mô hình này đã đem về giá trị gấp nhiều lần so với cách đơn thuần là chỉ trồng dâu chờ bán quả.
Thống kê cho thấy hiện nay, tỉnh Sơn La có khoảng trên 400 ha dâu tây, sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm, trồng chủ yếu ở Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Có 20 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả dâu tươi, mứt dâu, siro dâu; trong đó, quả dâu tươi chiếm từ 80-90% sản lượng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, những năm gần đây, diện tích dâu tây ở Sơn La mở rộng khá nhanh.
Do vậy, nếu không kiểm soát chặt sản xuất gắn với chất lượng, đẩy mạnh chế biến có thể khiến ngành hàng này rơi vào tình cảnh "được mùa mất giá", thậm chí đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.
Hiện, nhiều người tiêu dùng cho biết vẫn lo ngại về tình trạng nguồn gốc, chất lượng của các sản phẩm dâu tây bày bán tràn lan trên vỉa hè, trong khi người bán luôn khẳng định đây là sản phẩm an toàn.
Đặc biệt, nếu không chú trọng xây dựng thương hiệu, dâu tây của Sơn La có thể khó cạnh tranh với dâu tây Trung Quốc ngay ở thị trường nội địa. Hoặc nhiều sản phẩm dâu tây không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác dâu Mộc Châu.
Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đang triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "dâu tây Sơn La" theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi được đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
Đồng thời, sản xuất gắn với các tiêu chuẩn chất lượng, dâu tây Sơn La được kỳ vọng ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu và giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Bình luận (0)