Thời gian qua, liên quan đến việc xử lý kỷ luật một số nhân sự cấp cao của Đảng vì có sai phạm, những kẻ phá hoại lớn tiếng rêu rao rằng đó là sự "thanh trừng nội bộ", là "tranh giành quyền lực"… của Đảng. Tuy nhiên, việc xử lý những cán bộ sai phạm là điều rất bình thường trong tiến trình phát triển của Đảng.
Chấn chỉnh, uốn nắn
Trong lịch sử của Đảng ta, các thời kỳ cách mạng đều có sự đấu tranh trong nội bộ. Đó là đấu tranh giữa quan điểm tiến bộ và lạc hậu; giữa việc bảo đảm nguyên tắc với sự vô tổ chức, vô kỷ luật; giữa quan điểm đúng đắn và quan điểm sai trái; giữa hành động đúng mực và hành vi sai lầm.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, Đảng ta luôn có sự đấu tranh giữa các nhận thức chính trị như giữa sự kiên định cách mạng với dao động, lưng chừng; giữa tinh thần tiến công với sự do dự, thoái lui; giữa thái độ lạc quan cách mạng với thái độ bi quan hoặc lạc quan tếu…
Chẳng hạn, sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973), trong khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xúc tiến đẩy mạnh chiến tranh ở khắp nơi thì một số cán bộ cách mạng lại muốn xả hơi sau một thời gian dài hoạt động liên tục. Thậm chí, có người còn mơ hồ cho rằng địch không dám đánh lớn, đến khi chúng lấn chiếm lại không kiên quyết đánh trả với lý do là sợ vi phạm hiệp định…
Trước thực tế đó, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nghiêm khắc phê phán các quan điểm sai lệch và đã chỉ đạo Đảng bộ kiên quyết đánh trả địch khi chúng tấn công lấn chiếm vùng giải phóng.
Hay trong thời kỳ mới giải phóng, do một số cán bộ, đảng viên chưa có quá trình hiểu biết thành phố, thông cảm với nhân dân thành phố, cũng như cách suy nghĩ hẹp hòi, thái độ kiêu ngạo của người cộng sản chiến thắng chi phối từng nơi, từng lúc, cho nên một thời gian đã gây ra những tổn thương không nhỏ về tinh thần trong một bộ phận nhân dân. Vì vậy, Đảng bộ thành phố đã từng xảy ra sự đấu tranh và kết quả là cách nghĩ đó đã được chấn chỉnh, uốn nắn.
Mạnh dạn phê phán, đấu tranh
Thời gian qua, trong Đảng phát sinh những vấn đề chưa phù hợp, chưa đúng đắn như nhận thức, quan điểm và cách xử lý một số vụ việc liên quan đến các dự án, việc nêu gương, việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, hay các biểu hiện tham nhũng vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức.
Những biểu hiện chưa phù hợp, chưa đúng đắn đó cần phải được chấn chỉnh, uốn nắn, khắc phục; một số trường hợp cần thiết phải xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có người nói đấu tranh chống tham nhũng hay các biểu hiện suy thoái là cuộc đấu tranh nội bộ. Về hình thức, đó thực sự là cuộc đấu tranh trong nội bộ tổ chức Đảng. Tuy nhiên, về bản chất, có lúc, có nơi không hoàn toàn là cuộc đấu tranh của nội bộ. Bởi những kẻ cố tình rắp tâm tham nhũng, suy thoái dù đã được giáo dục, uốn nắn, cảnh báo nhiều lần nhưng không khắc phục thì thực sự không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của tổ chức, vì đã không thực hiện đúng mục tiêu, lý tưởng của Đảng vốn đã được chính họ tuyên thệ trước cờ Đảng.
Họ cũng không còn xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân, nên ở góc độ nào đó, họ không còn phù hợp là đảng viên của Đảng. Do đó, cần phải loại họ ra khỏi tổ chức.
Cuộc đấu tranh đó không phải là đấu đá mang tính phe phái, nhóm lợi ích mà là cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa những người mang đậm tính Đảng, tính nhân dân với các phần tử không còn thể hiện được các tính ấy.
Còn cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái có đối tượng rộng hơn nhiều người nghĩ. Trong cuộc đấu tranh này, không chỉ có các phần tử phản động, chống phá cách mạng, cơ hội chính trị… mà còn có cả những người đang đứng hoặc đã từng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đó là sự "tự diễn biến" của họ đã đi đến bước tiếp theo là "tự chuyển hóa", tức là đi từ sai lầm về tư tưởng, nhận thức đến sai lầm về hành động thực tiễn. Do đó, cần phải phê phán, tranh đấu, loại trừ.
Xây dựng Đảng là một công tác quan trọng và thường xuyên của Đảng, cả trong các thời kỳ cách mạng cũng như trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm là một việc rất bình thường để tổ chức Đảng được trong sạch, vững mạnh, nó giống như là việc một cơ thể phải cắt bỏ các khối u, các phần da thịt đã bị hoại tử trong quá trình điều trị các chứng bệnh. Có như vậy thì cơ thể mới tồn tại và phát triển.
Cân nhắc thận trọng
Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra Đảng các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức Đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến đầu năm nay đã kỷ luật 105 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trong mỗi trường hợp, Đảng ta đều cân nhắc thận trọng công lao, đóng góp cũng như các khuyết điểm, sai lầm để đưa ra những quyết định hợp tình, hợp lý.
Bình luận (0)