Tỉ lệ bán tăng mạnh ở cả 3 phân khúc: cao cấp, trung cấp và bình dân. Trong đó, phân khúc cao cấp tăng mạnh nhờ các dự án chào bán có vị trí tốt, diện tích và giá cả hợp lý, chủ đầu tư danh tiếng; tập trung ở quận 2 và 7. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã trở lại thị trường.
Những cú hích mới
Triển vọng kinh tế Việt Nam được nhận định tiếp tục tích cực phần lớn do sự ổn định kinh tế vĩ mô và hiệu quả của lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tăng trưởng GDP của cả nước tăng từ 5,06% vào quý I đến 6,96% vào quý IV/2014 trong khi lạm phát trung bình được kiểm soát ở mức 4,09% cho cả năm. Điện thoại trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam nhờ vào nguồn vốn đầu tư từ Samsung. Trong năm 2014, công ty này đã đầu tư 4 nhà máy tại Việt Nam với tổng số vốn là 5,4 tỉ USD.
Một số chính sách mới như thay đổi cách tính diện tích căn hộ và cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam dự báo sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong năm 2015. Mặt khác, lãi suất bao gồm lãi suất tiền gửi và lãi suất vay đều được điều chỉnh giảm. Vốn vay theo đó dễ dàng tiếp cận hơn và chi phí vay vốn trung bình cũng giảm từ 17% năm 2011 xuống 10% năm 2014.
Đây chính là những yếu tố mang lại sinh khí cho thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường nhà ở. Các dự án khởi động lại và tiến độ xây dựng tăng tốc nhờ vào việc tiếp cận vốn vay dễ dàng và chi phí thấp hơn. Trong năm 2014, vốn FDI đầu tư vào thị trường bất động sản xếp thứ hai, chiếm 12,6% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam.
Niềm tin trở lại
Lãi suất giảm, niềm tin thị trường được cải thiện và những thay đổi tích cực trong Luật Nhà ở thúc đẩy sự phục hồi của thị trường nhà ở. Năm 2014, nguồn cung đã đột ngột tăng mạnh trở lại, toàn thành phố ước tính có 15.000 căn hộ được chào bán dàn trải nhiều khu vực. Đặc biệt, các dự án cao cấp có lượng giao dịch thành công chiếm 60% toàn thị trường. Căn hộ phân khúc bình dân và trung cấp có tỉ lệ hấp thụ chiếm 40%.
Dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường là 2 dự án Vinhomes và Masteri với tỉ lệ hấp thụ 75%-85%, tương đương 2.500 căn hộ được giao dịch thành công. Việc chào bán hết hơn 70% hàng hóa của 10 dự án cao cấp trong những tháng cuối năm 2014, cho thấy có sự tham gia của nhà đầu tư lẫn đầu cơ và đã xuất hiện tình trạng giá bán bị đẩy lên. Khu vực có vị trí đẹp tăng giá nhẹ 5%-10%. Tuy nhiên, hiện TP HCM còn tồn 16.000 căn nhà chung cư, bao gồm cả các dự án chào bán trong năm 2014. Tính chung cả năm 2014, có 14.807 căn hộ chào bán, gấp 3,2 lần so với năm 2013.
CBRE dự báo nguồn cung chào bán mới sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở các quận 2, 9, Thủ Đức và Bình Thạnh nhờ cơ sở hạ tầng cải thiện và tỉ lệ bán cao. Phân khúc cao cấp đặc biệt sẽ tăng cao hơn 2 năm trước đây. Số căn hộ bán được sẽ tăng lên nhờ sự tham gia của cả người mua để ở và nhà đầu cơ.
Thị trường văn phòng và căn hộ dịch vụ cũng được đánh giá là có triển vọng. Căn cứ vào lượng yêu cầu thuê CBRE nhận được, nhóm 5 đối tượng khách hàng có nhu cầu thuê cao nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng/tài chính, bảo hiểm, dược, sản xuất và kỹ thuật/công nghệ thông tin. Yêu cầu chuyển đổi văn phòng để phù hợp ngân sách không còn chiếm tỉ trọng lớn trong lượng yêu cầu thuê nhận được.
Mở rộng và thuê mới dự kiến sẽ là xu hướng chính của thị trường năm 2015 do sự tăng trưởng của nền kinh tế và Việt Nam lại được các nhà đầu tư xem như một điểm đầu tư có triển vọng. Nhu cầu thuê tiếp tục tăng trong khu trung tâm nhờ lượng khách Nhật hay các tập đoàn đa quốc gia và tại quận 9 nhờ lượng khách Hàn và Singapore (sau khi Samsung và Ascendas đầu tư vào Khu Công nghệ cao). Tất cả cho thấy 2015 sẽ là một năm rất thú vị đối với thị trường căn hộ dịch vụ tại TP HCM.
Bình luận (0)