Các văn nghệ sĩ TP HCM tham gia đoàn của Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM dự hội thảo cho biết sẽ trao đổi làm rõ tại hội thảo việc xây dựng hệ sinh thái văn hóa - nghệ thuật vững mạnh cho 3 TP lớn tiêu biểu của cả nước là Hà Nội, Huế và TP HCM.
Tiếp nối những thành tựu
Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VH-NT) Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025) với nhiều sự kiện cụ thể, ý nghĩa nhằm làm nổi bật sự phát triển của VH-NT nước nhà nửa thế kỷ qua.
Hội Văn học, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Âm nhạc, Hội Kiến trúc, Hội Điện ảnh TP HCM… đã có kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hoạt động sáng tác; tổ chức các hội thảo - tọa đàm về sân khấu cách mạng 50 năm thống nhất đất nước; triển lãm ảnh nghệ thuật về 50 năm nền VH-NT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; giới thiệu tác phẩm - tác giả; đầu tư dàn dựng các tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao.
Từ sau thành công của vở "Nợ nước non", trong năm 2024, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ tiếp tục đầu tư dàn dựng và công diễn tập 2 của tác phẩm sân khấu quy tụ đông đảo nghệ sĩ của 3 miền: Nam, Trung, Bắc tham gia.
Bên cạnh đó, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng sẽ tổ chức lưu diễn tại miền Trung tác phẩm "Khúc tráng ca thành Gia Định" (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ), khởi đầu cho kế hoạch đưa những tác phẩm sử Việt giao lưu biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Những vấn đề cần tháo gỡ
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, trong bất cứ diện mạo của nền VH-NT nào, đóng góp từ các địa phương là rất quan trọng. Riêng với 3 vùng đất Hà Nội - Huế - TP HCM, có đặc điểm là nơi khởi phát của các trào lưu sáng tác VH-NT mang tính chất quốc gia, càng đóng vai trò lớn trong dòng chảy VH-NT Việt Nam. Vì vậy, đánh giá vai trò của VH-NT Hà Nội - Huế - TP HCM để từ đó dự báo hướng phát triển của nền VH-NT trong tương lai là điều hết sức cần thiết.
NSƯT Lê Thiện cho rằng cần đầu tư, đào tạo lực lượng tác giả, nghiên cứu phân tích để tìm ra hướng đi thích hợp cho chiến lược phát triển nền VH-NT của 3 thành phố. "Có tác phẩm xứng tầm như "Thầy Ba Đợi" hoặc "Khúc tráng ca thành Gia Định" mới có thể tạo sức hút từ công chúng, từ đó hun đúc tinh thần sáng tạo và giao lưu giữa 3 thành phố được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước" - NSƯT Lê Thiện nói.
Theo các nhà chuyên môn, các tác phẩm sân khấu tại TP HCM như: vở "Cách mạng", "Đường bay", "Rồng Phượng", "Chiến binh", "Trung thần", "Dấu xưa", "Cánh đồng rực lửa", "Rặng trâm bầu", "Khát vọng ngày mai", "Điều ước thiêng liêng", "Hành trình đi tìm bức chân dung", "Đêm trước ngày hoàng đạo"… đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt bởi đều hướng đến ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm cho đời sống cộng đồng tốt đẹp hơn, nhất là niềm tự hào khi chạm ngưỡng 50 năm đất nước được thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no và đời sống kinh tế, văn hóa ngày một phồn vinh.
Tại hội thảo, các văn nghệ sĩ TP HCM cũng sẽ đặt các vấn đề nhằm chỉ ra những tồn tại hiện nay, nguyên nhân và giải pháp để các tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao, góp phần đưa VH-NT phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của kinh tế TP HCM.
Cần phải quan tâm đầu tư khâu sáng tác kịch bản văn học, lưu tâm về yếu tố nhân văn đặc thù của VH-NT ở 3 TP lớn: Huế, Hà Nội, TP HCM" - tác giả Trần Văn Hưng nhấn mạnh.
Bình luận (0)