Ngày 15-12, UBND TP HCM và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo liên kết vùng giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu - giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tìm hướng đổi mới sáng tạo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao các đối tác liên kết tại TP HCM thời gian qua đã hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giúp sản phẩm của người dân trong tỉnh thuận lợi trong tiếp cận thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, TP HCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn về nông sản, lương thực vừa là nơi cung cấp hàng tiêu dùng, đào tạo nguồn nhân lực cao cho các tỉnh. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 65.000 doanh nghiệp và 20.000 hợp tác xã. Bên cạnh đó, độ tuổi làm doanh nghiệp hiện nay trẻ hơn 10 năm trước, đây là điều kiện tốt để tiếp cận khoa học - công nghệ. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng các tỉnh tăng cường tiếp cận khoa học - công nghệ để tăng cường liên kết với TP HCM.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã trưng bày các sản phẩm chủ lực của TP HCM và vùng Tây Nguyên cũng như chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp với các nhà tư vấn, chuyên gia đến từ TP HCM. Đây cũng là dịp kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp nguyên liệu, giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp mong muốn tìm hướng đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ kinh nghiệm riêng, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết doanh nghiệp tập trung nhiều vào vấn đề giảm thiểu tác động môi trường, giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Tại đơn vị đang đầu tư và tiến đến việc sử dụng hoàn toàn bao bì tự hủy, loại bỏ ống hút nhựa. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển những sản phẩm thân thiện môi trường.
Về giải pháp liên kết, ông Đức đề xuất các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch lại nguồn nguyên liệu cho từng sản phẩm, phân công rõ ràng; hình thành các đầu mối thu mua, hợp tác tại các vùng để cung ứng hàng hóa khoa học hơn.
Doanh nghiệp lớn phải tiên phong
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu thực hiện tốt các hiệp định sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, nhất là đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, để hưởng được các lợi ích đó không đơn giản.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM giải thích: "Các nước vừa ký hiệp định đồng thời đưa ra những ràng buộc rất ngặt nghèo. Tức là họ đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải chứa đựng những giá trị như khắc phục tình trạng xả thải, phát thải ra môi trường. Sản phẩm của chúng ta nếu không đáp ứng những điều đó thì không thể xuất khẩu".
Đây là việc không đơn giản. Thị trường thế giới rất rộng mở nhưng không dễ dàng bước vào. Tập đoàn lớn có thể đi được nhưng doanh nghiệp nhỏ thì rất khó. Do đó, ông Hoan nhấn mạnh điều quan trọng nhất là các địa phương, các doanh nghiệp, các vùng cung - cầu phải liên kết thiết thực hơn. "Người ta thường nói muốn đi nhanh thì đi một mình. Chúng ta muốn đi xa, muốn đi về đích thì phải đi cùng nhau" - ông Hoan phát biểu. Và liên kết ở đây là nhu cầu tất yếu, phải tiếp tục tìm kiếm phương pháp cụ thể hơn mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong chiến lược tăng trưởng xanh và liên kết vùng, ông Hoan đánh giá cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng. Tăng trưởng xanh mới chỉ được nói cách đây 1-2 năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã hiểu rất đầy đủ, rõ ràng và hành động nhanh. Đó là sự thay đổi tích cực.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP HCM có 2.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; 100 quỹ đầu tư mạo hiểm; 53 tổ chức khởi nghiệp; 93 trường đại học, cao đẳng; 80 cuộc thi khởi nghiệp/năm... Thành phố nỗ lực phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong việc tăng trưởng xanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TP HCM nhận thức rằng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới chính là trách nhiệm để phát triển của thành phố. TP HCM không chỉ biết sử dụng nguồn nguyên liệu của các tỉnh mà xác định trách nhiệm của mình làm sao cho nguồn nguyên liệu đó đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thành phố và xuất khẩu. Ông Hoan nhấn mạnh các doanh nghiệp hàng đầu của thành phố phải là người tiên phong, phải chăm sóc và nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ, phải làm sao cho nguồn tài nguyên của các địa phương phong phú đa dạng và phù hợp với xu thế phát triển.
"Nếu không đầu tư cho việc này cũng chính là đang giết chết doanh nghiệp của thành phố. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố sẽ đến với các bạn theo nhiều cách" - ông Hoan cam kết.
Gần 2 tỉ USD đầu tư cho khởi nghiệp
Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu (WIPO) vừa mới công bố, Việt Nam xếp vị trí 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội trong 13 năm liên tiếp; là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Trong giai đoạn 2020-2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đạt gần 2 tỉ USD.
Bình luận (0)