Điểm sáng đầu tiên thể hiện ở chiến lược xây dựng và đổi mới thương hiệu cho thị trường nội địa. Mỗi DN đều tập trung khai thác theo từng phân khúc thị trường riêng biệt. Chẳng hạn như May Nhà Bè có thương hiệu thời trang công sở cao cấp Mattana, Việt Tiến tung ra thương hiệu thời trang nam Việt Long để hướng đến người tiêu dùng thu nhập thấp...
Trong quá trình mở rộng thị trường nội địa, các DN VN đang hướng tới việc không chỉ sản xuất những sản phẩm chất lượng mà còn phải thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng. Để đạt mức doanh số 870 tỉ đồng (tăng 10% so với năm trước), đích thân ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, đã thực hiện những chuyến đi định kỳ về vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu sở thích của từng hộ gia đình nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu của họ và không quên thăm hỏi các hệ thống đại lý, phân phối được xem là chân rễ của đơn vị ở vùng sâu, vùng xa. Tương tự, Kinh Đô cũng tăng doanh số hơn 30% nhờ mở rộng thị trường nội địa... Ngoài việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, một số DN đã bước vào lĩnh vực liên kết phân phối, điển hình là thành lập chuỗi cửa hàng FoocoMart – Vissan của Foocosa và Vissan.
Điểm sáng thứ hai, dù khó khăn nhưng bên cạnh việc lèo lái hoạt động kinh doanh, các DN vẫn thể hiện trách nhiệm cộng đồng đối với xã hội. “Không phải là sản phẩm đặc thù nên không thể quảng bá rộng rãi. Thay vào đó, công ty thực hiện các đợt phát thuốc và chữa bệnh miễn phí cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, như vậy sẽ mang ý nghĩa hơn” – Tổng Giám đốc Công ty Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga chia sẻ. Còn nhiều những đơn vị ý thức được trách nhiệm DN như Công ty Phân bón Bình Điền truyền kinh nghiệm trồng trọt cho nhà nông, Bảo vệ Thực vật An Giang tổ chức các đợt huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật của Vương quốc Campuchia, PNJ phát động chương trình ưu tiên dùng hàng Việt trong toàn thể công ty, Minh Long tặng cúp Lạc Hồng trong cuộc đấu giá vì người nghèo, SJC hỗ trợ 15 chỉ vàng tại các phiên chợ dành cho công nhân...
Và còn nhiều điểm sáng nữa của các DN VN.
Bình luận (0)