Tết, người lớn chuẩn bị tiền lì xì, còn trẻ em thì có tâm thế nhận tiền lì xì. Tiền lì xì của các bé đều khác nhau tùy vào quan hệ gia đình, ngoại giao của người thân như ông, bà, cha, mẹ… Có những bé tiền lì xì đầu năm khá nhiều, có khi lên vài chục triệu đồng. Vậy tiền đó ai quản lý, các bé dùng tiền như thế nào với "tài sản" được xác nhận là của chính mình.
Thực tế việc giữ tiền lì xì là một chuyện không quá lớn nếu xét ở góc độ tài chính, cũng không có khuôn mẫu chung. Vì cơ bản không phải gia đình nào cũng có cách dạy con, ứng xử với đồng tiền giống nhà nào, không phải em bé nào cũng được lì xì nhiều tiền. Đặc biệt là cách cho phép con cái tiêu tiền mỗi nhà mỗi khác. Tuy nhiên, một số ông bố, bà mẹ và cả chuyên gia tâm lý đều nhìn nhận rằng việc cho con tiết kiệm, quản lý hay tiêu xài tiền từ bé là một việc rất cần thiết, cũng có thể xem là cơ hội để dạy con trong trong quản lý tài chính sau này.
Bé Sam, một em bé khá hot trên Tiktok với video clip "tiền lì xì của con mà mẹ". Đại khái là Sam đóng vai cả mẹ và em bé. Mẹ hỏi: tiền lì xì con đâu, mẹ giữ cho. Bé nói: tiền lì xì của con mà mẹ. Mẹ trả lời: Ừa, mai mốt đói tự mua đồ ăn đi nha; quần áo tự đi mua sắm đi nha; bệnh tự đi mua thuốc; đi học tự đóng học phí; sách vở tự mua luôn đi nha… Vậy là Sam phải đưa tiền lì xì cho mẹ dù ban đầu bé không đồng ý. Thế nhưng bé tỏ thái độ chưa mấy hài lòng.
Bé Sam trong video clip chỉ 3-4 tuổi. Video clip được hàng triệu lượt xem. Nhiều người thích vì em bé đáng yêu, diễn giỏi, hay lý do giao tiền cho mẹ giữ là hợp lý … nhưng nếu em bé lớn tuổi hơn thì thế nào, sẽ có nhiều ý kiến, ứng xử khác nhau trong việc này, từ đó thể hiện cách dạy con tiêu tiền.
Chị Hồng Khoa, nhà ở quận Tân Bình cho biết chị có một đứa con trai, năm nay đã 18 tuổi. Những năm trước, khi con được nhận tiền lì xì thì chị giữ cho con và con cũng chủ động nhờ mẹ giữ. Sau đó chị khuyến khích bỏ ống heo, hoặc hỏi ý con muốn dùng tiền đó vào việc gì.
Theo chị Khoa, cơ bản con chị cũng có ý thức tiết kiệm tiền. Chị Khoa cho rằng nếu con đã biết quản lý tiền, thử trao đổi xem con muốn sử dụng như thế nào. Có thể gợi ý con "hùn, góp" vào những khoản chi gia đình như mua dụng cụ liên quan việc học, hay mua tivi, tủ lạnh hay gì đó. Đồng thời thường nhắc, cảm ơn vì sự đóng góp của con, dạy con biết ơn số tiền "tự dưng" mà có.
Còn chị Vân Khánh (nhà ở quận Phú Nhuận- TP HCM) thì khuyến khích con tích lũy tiền, chị hướng dẫn và hướng con dùng tiền cá nhân để đầu tư từ bé. Chị cho biết, từ lúc nhỏ, khi 3 đứa con của chị nhận được tiền lì xì, số tiền tương đối nhiều so các em bé khác nên chị hướng dẫn con để dành riêng từng đứa, tích lũy, quản lý và vài năm khi số tiền nhiều một chút thì chị khuyến khích gửi tiết kiệm, khi nhiều hơn thì hướng dẫn con đầu tư.
Những tài sản này đã sinh lợi từng năm từ đầu tư do chị hướng dẫn quản lý. Chị định hướng con gửi tiết kiệm, đầu tư tài chính, bất động sản giá trị thấp hoặc hùn vào với chị. Chị rất rõ ràng trong phân chia tài sản của con trong đầu tư này. Các con của chị từ 12 đến 18 tuổi nhưng hiện đã có tài sản riêng lên đến vài trăm triệu đồng.
Ths Quang Thị Mộng Chi, Giảng viên Khoa Tâm lí - Trường Đại học KHXH & NV TP HCM, cho rằng việc hướng dẫn con quản lý, chi tiêu tiền từ bé là một cách hay trong giáo dục con cái từ bé. Ba mẹ có thể hướng dẫn con giữ tiền, tiết kiệm hoặc mua sắm vật dụng hợp lý.
Tuy nhiên bố mẹ cần có sự giám sát, quản lý, định hướng cho con vì cơ bản các con còn chưa đủ kiến thức, ý thức để sử dụng tiền hợp lý. Thậm chí có nhiều trẻ có thể gặp sai lầm vì được tự ý tiêu tiền sai mục đích, gây hại mà ba mẹ không kiểm soát. Thường các bé còn nhỏ thì chưa cần dùng tiền, có thể gửi bố mẹ giữ, hoặc bỏ ống heo để tiết kiệm, bé lớn hơn thì có nhu cầu chi tiêu cá nhân nhưng phải hợp lý.
Cũng tùy hoàn cảnh gia đình mà các bé có mức chi tiêu khác nhau nên hợp lý hay không sẽ do bố mẹ định hướng. Nếu bố mẹ thấy đủ điều kiện thì việc chi tiêu có thể nhiều một chút cũng xem là hợp lý.
Bình luận (0)