Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Trong đó, gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng đang được các công ty tài chính triển khai với những tín hiệu tích cực.
Giảm một nửa lãi suất để kích cầu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chương trình tín dụng 20.000 tỉ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và 2 công ty tài chính HD SAISON và FE Credit đang có những tín hiệu tích cực. Mỗi công ty tài chính tham gia gói 10.000 tỉ đồng.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy tính đến hết tháng 2-2024, HD SAISON và FE Credit đã giải ngân được khoảng 11.247 tỉ đồng. Trong đó, đại diện HD SAISON cho biết hơn nửa triệu công nhân trên cả nước đã vay từ chương trình này với số vốn trên 8.000 tỉ đồng.
Công ty Tài chính FE Credit cho biết đang tiếp tục triển khai gói vay 10.000 tỉ đồng từ chương trình tín dụng được ký kết hợp tác với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Gói tín dụng này dành riêng cho công nhân các khu công nghiệp với mức lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất so với khách hàng thông thường. FE Credit cho vay tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc vay mua sản phẩm trả góp. Khách hàng sẽ được vay ưu đãi từ 10-70 triệu đồng, kỳ hạn linh hoạt 6-24 tháng, hồ sơ vay đơn giản...
"Từ đầu năm 2024 đến nay, đại diện của công ty đã có mặt ở hàng chục khu công nghiệp thuộc 9 tỉnh, thành như TP HCM, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Phú Thọ..., thông tin về sản phẩm vay để người lao động dễ dàng tìm thêm giải pháp tài chính. Gói vay được thiết kế nhằm giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết, tháo gỡ khó khăn tài chính" - đại diện FE Credit cho hay.
Một trong những yếu tố quan trọng là gói vay này mức lãi suất hấp dẫn, chỉ bằng 50% lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường, phần nào giúp người lao động giảm bớt áp lực tài chính khi cần vay vốn gấp.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của HDBank mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, cho biết trong năm 2023, HD SAISON (công ty con của HDBank) nằm trong tốp 3 công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường, cung cấp các khoản vay đúng nhu cầu của các khách hàng như vay mua xe máy, điện thoại… Trị giá khoản vay bình quân khoảng 10 triệu đồng, giá trị không lớn nhưng đồng hành với khách hàng thay đổi cuộc sống, công việc.
Đến năm 2023, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt 13,71%; tuy nhiên tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống chỉ tăng 7,83%, chiếm 21,19% dư nợ nền kinh tế. Trong bối cảnh này, gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng đang được các công ty tài chính triển khai góp phần thúc đẩy cho vay phân khúc này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tín dụng mới có điều kiện tăng trưởng tốt hơn. Riêng gói tín dụng cho vay phục vụ đời sống của các công ty tài chính, nếu các NH khác có nhu cầu tham gia, NHNN sẽ khuyến khích.
Thêm những nhân tố mới
Phân khúc tài chính tiêu dùng ở Việt Nam đang có những sự thay đổi nhất định khi không ít công ty tài chính đổi chủ và thêm những nhân tố mới gia nhập thị trường với kỳ vọng dư địa, tiềm năng tăng trưởng.
Tập đoàn Home Credit đã ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Thái Lan. Việc chuyển giao dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.
Cuối năm 2023, SeABank ký hợp đồng bán toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. (thành viên của AEON Group Nhật Bản). Hay SHB chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan... Những thương vụ này có giá trị hàng ngàn hoặc chục ngàn tỉ đồng.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tính đến cuối năm 2023 có dư nợ khoảng 2,4 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ tín dụng của các công ty tài chính vào khoảng 135.000 tỉ đồng, giảm một nửa so với thời điểm cuối năm 2022. Theo các chuyên gia, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng là hướng đi nhanh chóng để thâm nhập thị trường Việt Nam - vốn được đánh giá nhiều tiềm năng và triển vọng khi nền kinh tế đang phát triển.
Không chỉ công ty tài chính, phân khúc cho vay tiêu dùng cũng đang có sự nhập cuộc của các NH thương mại, bao gồm cả NH ngoại, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày ra mắt ứng dụng CUB Vietnam, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cathay United Bank, cho biết rất nhiều đối tác tiềm năng đã đánh giá cao ứng dụng NH số này trong việc phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam. Đây là một trong những NH thương mại hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) triển khai sản phẩm cho vay trực tuyến giải ngân bằng tiền mặt - vốn là thế mạnh của các công ty tài chính. CUB Vietnam đang triển khai sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân giải ngân tiền mặt với lãi suất phẳng cạnh tranh từ 1,91%/tháng (lãi suất phẳng quy đổi từ lãi suất cho vay trên dư nợ gốc giảm dần).
Dù tình hình còn khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng đang có những tín hiệu phục hồi rõ ràng của kinh tế vĩ mô, góp phần kích cầu tiêu dùng, từ đó kéo theo nhu cầu về tín dụng phục vụ đời sống của khách hàng cá nhân.
Xử lý tình trạng rủ nhau bùng nợ
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, tín dụng tiêu dùng tiếp tục giảm vì cầu tiêu dùng giảm do kinh tế khó khăn, tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình.
Ngoài ra, một trong những khó khăn trên thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện tại là tình trạng rủ nhau bùng nợ gia tăng nhưng chưa có biện pháp và chế tài xử lý triệt để. Tình trạng này khiến nhiều công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay, kiểm soát chặt đầu vào của khách hàng và tập trung vào thu hồi nợ nhiều hơn.
Bình luận (0)