Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết cuối tháng 7-2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 42/2024/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phóng viên: Cụ thể, TP HCM thực hiện hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN QUANG THANH: Theo Quyết định 42, chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc những lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ cao, chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại, phục vụ sản xuất nông nghiệp; y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, văn hóa - thể thao; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường cùng 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ.
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ có cơ hội được hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50% - 100%. Mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng/dự án (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ). Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm kể từ ngày dự án được UBND thành phố phê duyệt và sau khi giải ngân vốn vay lần đầu tại HFIC. Trong đó, phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ lãi suất tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị được hỗ trợ tối đa 85%.
Riêng các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa - thể thao do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư được hỗ trợ lãi suất tối đa 100% phần vốn đầu tư công trình xây dựng, 100% phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị.
Ngoài ra, các dự án giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố làm chủ đầu tư được hỗ trợ lãi suất đối với số vốn vay tối đa bằng 100% tổng mức đầu tư của dự án.
Quyết định 42 có hiệu lực từ ngày 29-7. Như vậy, các doanh nghiệp đã có thể tiến hành thủ tục để vay vốn theo chương trình?
- HFIC đang xem xét hồ sơ vay vốn của khoảng 10 dự án. Đã có dự án được HFIC đồng ý cho vay sẵn sàng đăng ký tham gia chương trình.
Với chương trình này, quy trình thủ tục sẽ tiến hành theo các bước sau: Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sẽ được HFIC xem xét sự phù hợp của dự án với lĩnh vực ưu tiên nào của thành phố; thẩm định tính hiệu quả, khả năng trả nợ vay của chủ đầu tư và chấp thuận cho vay.
Sau đó, tùy theo loại hình dự án mà chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục và nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tại các cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc Sở Công Thương. Các cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND TP HCM quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hỗ trợ lãi suất cho dự án.
TP HCM cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải bảo đảm việc hỗ trợ lãi suất vay được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích?
- Thành phố đã có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách đầy đủ, kịp thời để Kho bạc Nhà nước giải ngân cho các chủ đầu tư có dự án được duyệt.
Theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, khoản 8 điều 5 nêu rõ: HĐND TP HCM được bố trí từ nguồn thu cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu để bổ sung vốn điều lệ cho HFIC. Nguồn vốn này khá lớn, dự kiến lên đến gần 100.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, HFIC còn kết hợp vốn với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM để cho vay nhằm đa dạng nguồn vốn cung ứng cho các doanh nghiệp trong chương trình.
Theo ông, chính sách này sẽ tác động thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới?
- Ngay khi Quyết định 42 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã liên lạc với chúng tôi và bày tỏ sự vui mừng vì chính sách mà họ chờ đợi từ lâu nay đã được khởi động lại.
Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp TP HCM, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ… tiến tới chuyển đổi sản xuất, cung ứng và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Nguồn vốn mồi được "bơm" ra đúng thời điểm kinh tế dần khởi sắc sẽ góp phần kích hoạt sự tăng trưởng các lĩnh vực được xem là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của TP HCM trong tương lai.
Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao đưa chính sách này đi vào đời sống càng nhanh càng tốt, thưa ông?
- Thay vì ngồi chờ doanh nghiệp đến liên hệ vay vốn mới thẩm định hồ sơ, ngay sau khi Nghị quyết 98 được ban hành, HFIC đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu về chương trình đến các đối tượng được thụ hưởng; chủ động mời gọi các doanh nghiệp tham gia. Đến nay, cơ sở pháp lý cho chương trình đã đầy đủ, các bên tiếp tục phối hợp chặt để triển khai thực hiện chương trình.
Ngày 23-8 vừa qua, HFIC đã phối hợp cùng Sở Y tế TP HCM đồng chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố. Hội nghị đã cung cấp thông tin chi tiết về chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế, đồng thời hướng dẫn các bước và điều kiện cần thiết để các dự án có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ chính sách này tại HFIC.
Tại hội nghị, cùng với HFIC, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, Kho bạc Nhà nước TP HCM, Sở Y tế đã giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của các cơ sở y tế về điều kiện được hỗ trợ, tỉ lệ được hỗ trợ, thủ tục tham gia chương trình...
Từ nay đến cuối năm, HFIC sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Khu Công nghệ cao TP HCM… triển khai thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp có dự án phù hợp lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ tham gia chương trình.
HFIC cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) và TP Thủ Đức tổ chức hội nghị triển khai để bảo đảm phủ sóng chương trình đến tất cả doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên của TP HCM, nếu đáp ứng các điều kiện đều được xem xét cho vay vốn theo chương trình trong quý IV/2024.
Biết rõ khách hàng cần hỗ trợ gì
Phó tổng giám đốc HFIC cho biết HFIC biết rõ khách hàng của mình vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì và phối hợp cùng các sở, ban ngành của thành phố tìm cách tháo gỡ. Đơn cử, vướng mắc đối với đơn vị sự nghiệp công là việc sử dụng vốn đối ứng được thực hiện theo quy trình đầu tư công.
"Việc sử dụng vốn - dù không phải là vốn ngân sách - phải thực hiện theo quy trình đầu tư công. Với các đơn vị trong ngành y tế, chúng tôi bàn với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Y tế, thống nhất xây dựng đăng ký kế hoạch đầu tư công và trình UBND TP HCM ban hành quyết định đầu tư công để triển khai" - ông Nguyễn Quang Thanh dẫn chứng.
Nhiều doanh nghiệp phát triển lớn mạnh
Trước khi có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 98, từ 20 năm trước, TP HCM đã triển khai khá thành công chương trình cho vay kích cầu đầu tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên.
Theo đó, TP HCM hỗ trợ theo tỉ lệ phần trăm lãi vay cho dự án của doanh nghiệp, tùy theo lĩnh vực đầu tư, với hạn mức tối đa 100 tỉ đồng/dự án, thời gian bù lãi vay không quá 7 năm. Từ nguồn vốn "mồi" của chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong tốp đầu các ngành sản xuất, dịch vụ trọng yếu của thành phố. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM bị gián đoạn đến nay.
Bình luận (0)