Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP Hà Nội, tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Hơn 400 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng trong cả nước cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương tham dự.
Mở đầu chương trình, toàn thể hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng. Trong 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỉ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỉ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến các lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
Theo Thủ tướng, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Nói về việc kích hoạt ngân hàng gene liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ, Thủ tướng đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác định danh tính 60% mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng, đáp lại niềm mong mỏi rằng tương lai không xa, các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Hiện cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính. Việc hình thành ngân hàng gene với khoảng 600.000 mẫu giám định cả hài cốt liệt sĩ và thân nhân là để xác định danh tính của các mộ liệt sĩ còn "khuyết danh" hiện nay.
Thủ tướng bày tỏ nỗi xót xa khi thăm Nghĩa trang đồi A1 tại Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, thấy rất nhiều mộ liệt sĩ vẫn đề những dòng chữ "mộ liệt sĩ chưa biết tên", "mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Chính vì vậy, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Bình luận (0)