Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỉ đồng, tăng 20% so sánh cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỉ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỉ đồng, với sự đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ 4.665 tỉ đồng.
Về kết quả khai thác, hãng vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so sánh cùng kỳ 2023.
Có kết quả này nhờ Vietnam Airlines đã tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Tổng thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023, phục hồi gần bằng mức trước dịch COVID-19. Nắm bắt thời cơ, Vietnam Airlines đã mở thêm các đường bay mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và nâng cấp máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore… Đối với thị trường nội địa, Vietnam Airlines gia tăng các chuyến bay đêm và triển khai ưu đãi liên kết hàng không - du lịch giúp kích thích mạnh mẽ nhu cầu du lịch trong nước.
Còn Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay, cao hơn giai đoạn 2019, trước đại dịch COVID-19.
Doanh thu vận tải hàng không của Vietjet trong 6 tháng đạt 32.893 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kì. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỉ đồng, tăng 690% so với cùng kì.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt 34.016 tỉ đồng doanh thu, và 1.311 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kì, vượt 21% so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 30-6-2024, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 91.755 tỉ đồng.
Kết quả tăng trưởng vượt bậc đó một phần quan trọng nhờ thời gian qua hãng hàng không đã mở ra rộng khắp mạng bay quốc tế tầm trung.
Với việc liên tiếp mở thêm các đường bay quốc tế mới, đến nay, Vietjet đang khai thác 111 đường bay quốc tế trong tổng số 149 đường bay hãng đang khai thác.
Đại diện hãng hàng không cho biết sẵn sàng tiếp tục cho những kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế xa hơn.
Động lực chính
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, có 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng Việt Nam (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines) khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Mạng đường bay quốc tế đã khôi phục tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Úc...
Đặc biệt vào các dịp lễ, Tết và khi bước vào giai đoạn nghỉ hè, các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt đều được các hãng hàng không khai thác với sản lượng và tần suất tăng cao.
Với các sân bay quốc tế trọng điểm, sản lượng hành khách quốc tế cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh so cùng kỳ 2023 và đạt tương đương mức sản lượng của năm 2019. Trong đó, 2 cửa ngõ chính là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có lượng hành khách quốc tế thông qua đạt lần lượt là 5,9 và 8 triệu khách, cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo trong cả năm 2024, hoạt động khai thác thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng và là động lực chính cho sự tăng trưởng chung của toàn thị trường, trong khi thị trường nội địa tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung do các yếu tố khách quan (thiếu hụt máy bay, tỉ giá, lãi suất, giá nhiên liệu...).
Bình luận (0)