Chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Kế hoạch này được Chính phủ phê duyệt ngày 1-4 vừa qua.
Không hợp thức hóa sai phạm
Theo ông Tô Ngọc Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Kế hoạch làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện, gồm có dự án điện khí trong nước, khí LNG, thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng. Bên cạnh đó, xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác) phù hợp với quy mô công suất tính toán, phân bổ cho các địa phương.
Ông Tô Ngọc Bảo cho biết đối với các dự án lưới điện truyền tải, đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Việc này bảo đảm đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải.
Về nguồn điện gió ngoài khơi, do vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng như quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt, ông Tô Ngọc Bảo cho biết Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.
Đối với các dự án điện mặt trời được phê duyệt quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc khi xem xét, đánh giá tính pháp lý các dự án, bảo đảm không được phép hợp thức hóa các sai phạm. Thời gian tới, Bộ Công Thương làm việc trực tiếp với các địa phương có dự án để làm rõ tính pháp lý và đề nghị các địa phương có cam kết, tạo điều kiện cho việc tiếp tục triển khai các dự án, tránh gây lãng phí, thiếu công bằng đối với những nhà đầu tư nghiêm túc.
Ông Tô Ngọc Bảo cũng cho rằng cần kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế, chính sách liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương theo dõi sát sao, tăng cường công tác quản lý đối với công tác phát triển điện lực tại địa phương; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương như quy hoạch về đất đai, xây dựng.
Triển khai đồng bộ
Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết để triển khai hiệu quả kế hoạch Quy hoạch điện VIII thì một nội dung quan trọng là bảo đảm thực hiện có hiệu quả các dự án điện khí.
Ông đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định về hợp đồng mua bán khí sang mua bán điện; cần đồng bộ các quy định liên quan khác về việc lập kế hoạch quy hoạch điện nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư và thúc đẩy phát triển các dự án điện khí trong nước.
Cũng theo ông Tuấn, về năng lượng tái tạo trong quy hoạch đến năm 2030 Việt Nam phấn đấu đạt 6.000 MW. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên và thúc đẩy phát triển tại khu vực miền Bắc để bảo đảm cung ứng điện trong các năm tiếp theo.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan cũng như tăng cường công tác truyền thông kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị làm rõ một số nội dung về cơ chế giá, khung giá cho điện gió ngoài khơi, bởi điện gió ngoài khơi đang gặp vướng mắc khi chưa có khung pháp lý đầy đủ.
Các địa phương nên rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch điện VII; khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư của các dự án điện, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng; bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định về pháp luật đất đai... Ông Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định từ thời điểm này, ít nhất 1 tháng 1 lần, Bộ Công Thương giao ban với các địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các tập đoàn kinh tế nhà nước và cả tập đoàn kinh tế tư nhân đủ mạnh nghiên cứu dựa trên quy hoạch, kế hoạch. Từ đó, đề xuất các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, điện khí.
Ưu tiên năng lượng tái tạo
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII có nội dung về công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030. Theo đó, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW.
Ngoài ra, tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.
Kế hoạch cũng xác định tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW...
Bình luận (0)