Sáng 22-10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phát biểu thảo luận sau đó, về số lượng đăng ký thuốc, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP HCM) cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, một con số vượt xa so với các quốc gia khác. Sự trùng lặp trong các số đăng ký thuốc trong nước diễn ra rất nhiều, dẫn đến việc quản lý khó khăn. ĐB đề nghị cần hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký trở nên minh bạch và chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu bổ sung quy định này vào dự thảo luật.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị quy định rõ nấc trung gian và tỉ lệ lợi nhuận cho phép đối với dược phẩm để tránh việc mua bán lòng vòng làm tăng giá. "Một công ty nhưng có hàng chục ngàn nhà phân phối và cơ sở bán lẻ, quy định hiện hành cũng không có phương thức, giải pháp nào để tăng cường quản lý" - nữ ĐB TP HCM nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá Luật Dược 2016 "đã thất bại" trong quản lý các tầng nấc trung gian ngành kinh doanh dược phẩm. Sau khi có luật này, tỉ lệ các nhà thuốc tăng vọt nhưng không kèm theo quy định phù hợp về biên chế thanh tra; vốn; khoảng cách tối thiểu giữa các nhà thuốc.
ĐB cho rằng muốn quản lý giá thuốc, Bộ Y tế cần quy định rõ một viên thuốc được qua bao nhiêu tầng nấc trung gian? tỉ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu? Nếu chỉ trông đợi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự nguyện kê khai sẽ không đảm bảo minh bạch. Tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xảy ra.
Chưa kể, mục tiêu của đấu thầu là chọn thuốc rẻ, mà thuốc rẻ này không những ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh mà đồng thời còn bào mòn ngành công nghiệp dược, không thể nào phát triển bền vững được.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) nêu những vấn đề liên quan đến việc bán thuốc trực tuyến (online), đặc biệt là nguy cơ gây hại từ việc bán thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
ĐB đồng ý với việc cho phép bán thuốc thông qua giao dịch điện tử như dự thảo, nhưng nhấn mạnh cần có quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt, các thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các nhà thuốc trực tuyến cần đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành.
Vị ĐB đồng thời là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cần có một đơn vị chuyên trách chống lại việc buôn bán thuốc giả mạo trên mạng xã hội và đảm bảo công khai thông tin về thuốc không đúng sự thật để người dân có thể tra cứu qua các ứng dụng hoặc trang web chính thống.
Đề cập đến việc "cấp visa" cho thuốc mới hiện nay, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng vẫn phải xếp hàng có khi đến cả năm. Nhiều nước quy định điều kiện, tiêu chuẩn khó hơn chúng ta rất nhiều như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu nhưng đã có những thuốc lưu hành 5-6 năm. Tuy nhiên các thuốc này để nhập vào nước ta thì vẫn phải chờ "cấp visa".
Do đó, ĐB đề nghị cần có quy trình rõ ràng trong việc nhập thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu và ứng dụng đại trà. Như vậy, người dân bị thiệt, không được hưởng thành quả mới của khoa học.
Giải trình tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thuốc là mặt hàng đặc biệt nên quản lý giá thuốc là việc rất quan trọng. Luật Dược năm 2016 đã quy định nội dung liên quan tới quản lý giá thuốc bán buôn. Năm 2023, giá thuốc cũng được quy định trong Luật Giá.
"Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ 2016 mà còn tăng. Nếu không quản lý thì lúc đó là "thả gà ra đuổi" không thể nào quản lý được", Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá các quy định trong Luật Dược năm 2016 và Luật Giá năm 2023 đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua. Bà dẫn chứng bằng số liệu năm 2022, giá thuốc tăng 0,4%; năm 2023 tăng 1,45% dù sau COVID-19 tất cả các loại thuốc, nguyên liệu đều tăng.
Bình luận (0)