Từ một thị xã miền núi hoang sơ, kinh tế nghèo nàn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, sau 49 năm giải phóng, TP Buôn Ma Thuột đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua khó khăn để xây dựng thành phố từng bước trở thành điểm đến yêu thích, đáng sống.
Vị trí chiến lược của Tây Nguyên và cả nước
Ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tiếp tục khẳng định TP Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Kết luận số 67 đã chỉ ra việc xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng. Xây dựng Buôn Ma Thuột là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương buôn bán, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tiếp đó, ngày 15-11-2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Buôn Ma Thuột. Đây cũng là đơn vị cấp huyện duy nhất được Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết xác định nhiệm vụ, vai trò, mục tiêu và những lợi thế sẵn có, TP Buôn Ma Thuột đã áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thúc đẩy tăng trưởng một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm như du lịch, cà phê, nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP, điện năng lượng…. Kinh tế - xã hội của thành phố đã có những bứt phá, góp phần vào sự phát triển của cả tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, thành phố cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội như giảm nghèo, cải thiện môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2023 đạt 182 triệu đồng, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 đạt 13.757 tỉ đồng, thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 67.978 tỉ đồng, tăng 52,08% so với năm 2020. Hiện thành phố chỉ còn còn 229 hộ nghèo, 603 hộ cận nghèo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Đầu tư dự án hơn 8.000 tỉ đồng từ cơ chế, chính sách đặc thù
Để thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết 72, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị để triển khai thực hiện hiệu quả 5 cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ TP đã lãnh đạo UBND TP chủ động phối hợp và tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ phê duyệt dự án vay vốn ODA cho dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng.
Về cơ chế phân bổ phần kinh phí tăng thêm 45% định mức chi thường xuyên, ngân sách thành phố được bổ sung cân đối hàng năm là 336,38 tỉ đồng. Tổng kinh phí này được hòa chung nguồn cân đối của thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, chỉnh trang đô thị, chuyển đổi số, hoàn thiện và nâng cao một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thành phố đã chủ động rà soát quỹ đất trên địa bàn, kết hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá điều kiện, ưu đãi của cơ chế này đến các doanh nhân, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Từ đó kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm tham gia nhằm khai thác, huy động nguồn lực đầu tư xã hội tối đa.
Đối với chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (gọi chung là người tài) hiện TP Buôn Ma Thuột đang xây dựng dự thảo các tiêu chí để báo cáo Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tuyển dụng, thu hút. TP Buôn Ma Thuột mong muốn tương lai không xa, với sự góp sức của người tài, thành phố thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được trung ương, tỉnh đề ra trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột.
TP Buôn Ma Thuột cũng đang khẩn trương thực hiện cơ chế phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột.
"Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tranh thủ, tận dụng và khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng TP Buôn Ma Thuột từng bước trở thành đô thị Trung tâm vùng Tây Nguyên và là điểm đến cà phê của thế giới" - ông Vũ Văn Hưng nói.
Người tài sẽ được hỗ trợ ban đầu tối đa 500 triệu đồng/người
Dự kiến UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ thành lập hội đồng thu hút, tuyển chọn và ban hành thông báo thu hút người tài trong đầu quý I-2025.
Theo đề án, TP Buôn Ma Thuột sẽ thu hút người tài các nhóm lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, quy hoạch đô thị, xây dựng - hoạch định chính sách công.
Người tài sẽ được hỗ trợ ban đầu tối đa 500 triệu đồng/người, hưởng mức lương tối đa 50 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều chế độ, chính sách ưu đã khác.
Bình luận (0)