Thấy con có biểu hiện đau mắt đỏ, chị N.M.T.P liền ra tiệm thuốc tây gần nhà (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP HCM) mua thuốc nhỏ mắt. Sau khi nghe chị P. trình bày, nhân viên quầy thuốc bán cho chị 1 lọ dung dịch nhỏ mắt, mũi có tên là Efticol (Natri 0,9%) và 1 lọ Tobramycin 0,3%.
Rước họa vì tin "bác sĩ nhà thuốc"
Do chủ quan nên khi về, chị P. không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, lấy 2 lọ thuốc nhỏ mắt cho con. Chỉ sau 5 phút, con trai chị bỗng nhiên kêu ngứa, mắt đỏ và sưng húp lên. Chị P. nhanh chóng đưa con vào bồn rửa mắt và sau đó đưa đến bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra. Theo bác sĩ, cháu bé bị dị ứng với kháng sinh.
Về nhà kiểm tra lại, chị P. mới phát hiện đã vô tình dùng Tobramycin 0,3% là kháng sinh nhỏ mắt cho con. Thuốc này chỉ dùng theo đơn, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn mắt do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Tobramycin gây ra như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm túi lệ...
Theo chỉ định của bác sĩ, chị P. sau đó chỉ dùng 1 lọ thuốc nhỏ mắt khác. Hai ngày sau, mắt của con trai chị khỏi hẳn.
Không may mắn như vậy, thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã bị bội nhiễm, thậm chí loét giác mạc do điều trị không đúng cách, trong đó có việc sử dụng kháng sinh, nhỏ mắt tùy tiện.
Những năm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc bệnh lao kháng thuốc đang có nguy cơ gia tăng tại nhiều nước. Nguyên nhân là do không ít người sử dụng thuốc không tuân thủ thời gian, phác đồ điều trị.
Một thực trạng khác gây lờn thuốc là do tình trạng mua bán, sử dụng thuốc nhái, thuốc kém chất lượng. Trong hầu hết trường hợp sử dụng kháng sinh không hợp lý đã được ghi nhận, nguyên nhân thường là do chưa biết được tác nhân vi khuẩn gây bệnh khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh dựa theo kinh nghiệm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có nhiều trường hợp người bệnh được chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng, đôi khi không có khả năng đến được vị trí nhiễm khuẩn với nồng độ hiệu quả hoặc đến được nơi điều trị nhưng gây độc. Cũng có trường hợp người bệnh không được lựa chọn đường đưa thuốc vào cơ thể một cách phù hợp.
Nâng cao nhận thức, hoàn thiện hệ thống giám sát
Theo PGS-TS-DS Hoàng Thy Nhạc Vũ, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), khi người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm xuất hiện tình trạng vi sinh vật đột biến hoặc xuất hiện gien kháng thuốc, dẫn đến giảm hiệu quả của kháng sinh, thất bại trong điều trị nhiễm khuẩn.
Hơn nữa, sử dụng kháng sinh không hợp lý còn kéo theo sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm cho những người xung quanh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận có sự gia tăng tỉ lệ kháng thuốc so với trước đây. Nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Trong đó, rất nhiều vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện hành và chúng được gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp phù hợp, trong tương lai gần, việc thiếu thuốc sẽ gây khó khăn cho vấn đề kiểm soát bệnh tật và thương vong vì không có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, nhân viên y tế và người bệnh là 2 đối tượng có sự liên quan trực tiếp.
Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế đề kháng thuốc, cần thực hiện việc xuống thang kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Chỉ phối hợp kháng sinh nhằm mục đích tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng và điều trị nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, đối với một số kháng sinh, nếu muốn chỉ định cho người bệnh thì phải tiến hành hội chẩn.
Bác sĩ Nhạc Vũ nhận định hiện nay, các giải pháp đã và đang thực hiện thường tập trung vào việc quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Tuy nhiên, phần điều trị ngoại trú, điều trị tại nhà còn bỏ ngỏ.
Do đó, nhằm đạt được mục tiêu chống kháng thuốc, các giải pháp còn hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đối với không ít người bệnh, nhận thức, hành vi và thái độ khi sử dụng thuốc còn khá thấp. Bởi lẽ, họ không đủ kiến thức chuyên môn cần thiết nên sử dụng thuốc khá tùy tiện, bừa bãi. Nhiều trường hợp người bệnh không hoàn thành liều điều trị mà có xu hướng ngưng thuốc ngay khi thấy giảm những triệu chứng, dẫn đến sự gia tăng khả năng xuất hiện các chủng vi khuẩn đề kháng thuốc.
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng
Tại TP HCM, không ít bệnh nhân đã bị biến chứng do sử dụng thực phẩm chức năng tăng cân, hàng xách tay.
Mới đây, bệnh nhân N.Q.T - 29 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức - đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám trong tình trạng vàng da, vàng mắt, đau bụng, khó chịu ở vùng sườn bên phải ổ bụng, nước tiểu vàng sậm, sốt nhẹ, nôn, nổi vết bầm đỏ dưới da. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm gan cấp, ứ dịch tại mật do sử dụng thực phẩm chức năng bừa bãi.
Trước đó, anh T. mua thực phẩm chức năng tăng cân Seng Yong Wan do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất tại một nhà thuốc đông y về uống.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-12
Bình luận (0)