Vào tuần cuối tháng 9-2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã dẫn đoàn công tác đến thăm khu tái quy hoạch Shibuya, mô hình mẫu trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit - Oriented Development - TOD) và là một trong 23 khu đặc biệt của thủ đô Tokyo - Nhật Bản.
Học hỏi kinh nghiệm các nước
Việc áp dụng mô hình TOD đã biến Shibuya thành một khu đô thị sầm uất, văn minh; giải quyết một cách đồng bộ và hiệu quả giữa hạ tầng giao thông công cộng và quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng.
Trước đó 1 ngày, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng đã gặp gỡ thị trưởng TP Busan - Hàn Quốc để tìm hiểu cách thức phát triển cảng biển, metro, quy trình áp dụng công nghệ thông tin trong vận hành tuyến metro.
Phía bạn đã đưa ra gợi ý TP HCM cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng tuyến metro song song với việc kết nối hệ thống giao thông công cộng khác.
Trong chuyến công tác tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) vừa qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã trực tiếp khảo sát hệ thống đường sắt đô thị của thành phố này.
Vấn đề không chỉ ở những con số rất ấn tượng về độ phủ của mạng lưới metro trên diện tích, dân số và thu nhập bình quân đầu người mà còn là phương thức triển khai các bước của quá trình thực hiện.
Trong quy hoạch, các khu đất đô thị dọc theo tuyến metro được tính trước; trong thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, phân cấp, phân quyền mạnh; trong nguồn vốn, thiết lập từ ban đầu cơ chế với độ mở rộng, nhất là nguồn nào, từ đâu đi cùng với mức độ khả thi ra sao; kết hợp với các đối tác tư nhân ở nhiều lĩnh vực, công đoạn từ thiết kế, xây dựng, trang thiết bị cho đến hệ thống thông tin điều khiển và vận hành.
Tháo gỡ những điểm nghẽn
Thực tế, sau khi các tuyến metro được xây dựng thì một "hệ sinh thái" đường sắt đô thị đã hình thành với các nhánh - ngành đa dạng: như bất động sản, thương mại - dịch vụ đi liền các khu bãi xe lớn, các nhà ga lớn; ngành thiết bị điện tử đi cùng các ngành công nghiệp cơ khí chính xác, dịch vụ bảo trì bảo dưỡng (kích hoạt, phát triển sản xuất công nghiệp địa phương).
Chưa kể không gian ở các ga ngầm vừa tạo ra một thực thể kinh tế mới, vừa tạo ra một không gian văn hóa để người dân, khách du lịch trải nghiệm. Metro thành phố đã khởi động từ hơn 20 năm trước, cho đến nay, tiến độ cả 5 tuyến metro đều rất chậm bởi quá nhiều khâu vướng.
Trong tọa đàm do Ban Đường sắt đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và Tổng Công ty Tài chính TP HCM tổ chức mới đây đã chỉ ra 7 điểm cần phải tháo gỡ, bao gồm: quy hoạch, thu hồi đất - giải phóng mặt bằng, đa dạng hóa huy động tài chính (không chỉ dựa vào kênh duy nhất là ODA), thủ tục phê duyệt dự án, công nghệ - tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình quản lý - vận hành các tuyến và nguồn nhân lực.
"Chìa khóa" Nghị quyết 98, với mô hình TOD là một bước đi đột phá, để từ đó nếu biết kết hợp với việc học hỏi, vận dụng và triển khai một cách thông suốt, hiệu quả những bài học kỹ thuật - thực tiễn ở các chuyến đi nói trên của lãnh đạo và đội ngũ quản lý chuyên môn của thành phố sẽ là lực đẩy cho hệ thống đường sắt - giao thông đô thị chạy nhanh hơn.
Cần "đứng trên đôi vai của người khổng lồ", học hỏi kinh nghiệm từ những công trình ở các thành phố/quốc gia phát triển đi trước để một mặt rút ngắn thời gian, công lẫn của; mặt khác ứng dụng một cách tối ưu hóa những tiến bộ khoa học, quản trị nhằm mang đến hiệu quả vận hành, phục vụ tốt nhất có thể.
Mục tiêu cuối cùng của metro không chỉ phục vụ cho giao thông mà còn là quy hoạch không gian, tái tạo lại đô thị, hình thành các mô hình kinh doanh mới dựa trên trục giao thông - đô thị và lập thành tập tính văn hóa mới.
Bình luận (0)