Sáng 25-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng dự án Luật kế thừa các quy định hiện hành. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 20 của dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhìn nhận quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất là phù hợp.
Quy định như vậy vừa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.
Ngoài ra, hiện nay, đối với những nơi trên, việc thành lập và duy trì mô hình công chứng với hai công chứng viên là không cần thiết, có thể là gây lãng phí nguồn lực công chứng viên và nguồn thu để đảm bảo hoặc là duy trì hoạt động của tổ chức thành người công chứng với hai công chứng viên là rất là khó.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh loại hình là công ty hợp danh như quy định hiện hành thì nên chăng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được thành lập loại hình văn phòng công chứng chỉ là một công chứng viên, tức là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Vì thực tế hiện nay, phần lớn các văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên điều hành hoạt động của Văn phòng công chứng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM), về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng tại Điều 20 của dự thảo luật, bà đề nghị nên cân nhắc bởi một số lí do: các văn phòng công chứng tư nhân do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng.
Hiện nay, các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện nên các địa phương có thể chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng,…
Từ những lí do trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng.
Liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu Hạnh đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đây là mục tiêu chúng ta hướng đến, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực trạng của Việt Nam, vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản ở Việt Nam mới đang bắt đầu ở một số địa phương, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng cơ sở về trang thiết bị không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước.
Bình luận (0)