Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi mong muốn thành phố sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện kéo dài. Như vậy suốt năm, TP HCM sẽ là thành phố của sự kiện.
Tạo sự kiện
Các lễ hội như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Áo dài TP HCM, Giải Marathon TP HCM, Lễ hội Bánh mì, Ngày hội Du lịch TP HCM, Hội Báo toàn quốc 2024, Liên hoan Phim quốc tế TP HCM (HIFF), Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á năm 2024… cho thấy TP HCM đã định vị được thương hiệu trong việc tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia, kể cả quốc tế. Điều đó cũng cho thấy việc TP HCM trở thành thành phố sự kiện là điều có thể.
Điển hình, diễn ra trong 8 ngày, HIFF thu hút gần 200 khách mời quốc tế từ các nền điện ảnh lớn như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...; trên 250.000 khán giả, trong đó hơn 20.000 người đã tham gia trực tiếp các suất chiếu phim.
Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP HCM - Hò Dô 2023 thu hút hơn 150.000 người tham gia, Giải Marathon TP HCM lần thứ 11 có hơn 11.000 vận động viên...
Đây là những con số ấn tượng để giới chuyên môn, các sở, ban, ngành TP HCM ngồi lại với nhau cùng đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, nhằm hướng đến sự thành công hơn nữa của các sự kiện tiếp theo.
TP HCM là một trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch năng động. Nơi đây sở hữu tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến lý tưởng cho các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Thêm vào đó, TP HCM có nguồn nhân lực dồi dào, môi trường đầu tư hấp dẫn, sự kiện văn hóa đa dạng. Việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - thể thao sẽ tạo dấu ấn, định vị; tăng cường trải nghiệm; thu hút đối tác và nhà tài trợ; lan tỏa tác động kinh tế - xã hội; tạo sức mạnh mềm trong quá trình hội nhập quốc tế cho thành phố.
Nhiều việc phải làm ngay
Về vĩ mô, TP HCM cần chủ động quảng bá thế mạnh, tiềm năng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong khu vực, quốc tế; thực hiện công tác đối ngoại ở tất cả các phương diện, góp phần đưa vị thế thành phố lên tầm cao mới trên trường quốc tế, phù hợp với định hướng, tầm nhìn chiến lược.
Về vi mô, để TP HCM trở thành thành phố của sự kiện, đòi hỏi có tính nhất quán về lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Khâu thực hiện phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành, trong đó vai trò người đứng đầu các sở, ban, ngành liên quan là quan trọng.
Đặc biệt, các sở, ban, ngành phải huy động được những nguồn lực, kể cả nguồn lực quốc tế, bao gồm nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính.
Cùng với đó, TP HCM cần liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để được tiếp thêm sức mạnh, đồng thời giúp 2 vùng này phát huy nội lực thông qua các chiến lược đồng hành cụ thể.
Người dân TP HCM có vai trò rất lớn trong việc thực hiện ý tưởng để TP HCM trở thành thành phố sự kiện. Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ, đồng hành…
Nói đến sự kiện, vấn đề không gian và thời gian phải bảo đảm phù hợp và khoa học. Về thời gian, các lễ hội, sự kiện thường niên vẫn tiếp tục được tổ chức theo thời gian đã ấn định; từng bước nâng tầm giá trị thương hiệu sự kiện, lễ hội.
Những lễ hội, sự kiện mới cần chú ý đến đặc thù theo mùa trong năm, gắn với các sự kiện của đất nước và thành phố một cách hợp lý nhằm phát huy giá trị, ý nghĩa của nó, thu hút được sự quan tâm của các giai tầng xã hội.
Về không gian, TP HCM cần đầu tư không gian sự kiện đẳng cấp quốc tế với hạ tầng hiện đại, linh hoạt cho từng loại hình, trở thành một nơi quen thuộc bên cạnh những không gian phát sinh phù hợp với tính chất sự kiện lễ hội ở các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Ví dụ, phố đi bộ Nguyễn Huệ phù hợp diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, của thành phố. Cần Giờ sẽ phát huy tốt nhất các sự kiện phù hợp giá trị "lá phổi xanh", giá trị lịch sử của địa phương…
Để kích cầu cho việc tổ chức sự kiện, TP HCM cần tính đến chính sách đãi ngộ các đơn vị đồng hành. Số lượng doanh nghiệp tại TP HCM, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất - kinh doanh, là rất lớn.
Đây là thế mạnh, thành phố nên tận dụng, thông qua hoạt động của các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) trong việc tạo ra các sự kiện về kinh tế gắn với từng lĩnh vực hoạt động.
Cần khen thưởng kịp thời những cách làm hay, ý tưởng độc đáo... của tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp ý tưởng, thực hiện để TP HCM trở thành thành phố sự kiện.
Bình luận (0)